Bông thược dược đen lẳng lơ bỗng nổi tiếng sau khi chết (Kỳ3)
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 07:38, 22/10/2014
Người cuối cùng nhìn thấy Short khi cô còn sống là Robert Manley, người mới quen Short, một nhân viên bán hàng 25 tuổi đã kết hôn. Anh thấy cô đứng ở góc phố và chẳng biết đi đâu nên đỗ xe lại và hỏi xem cô có muốn đi nhờ không.
Khi đó, Short đang ở nhờ tại một gia đình. Nhưng cô làm họ chán ngấy vì thói lười biếng và đêm nào cũng ra ngoài chơi bời. Đầu tháng 1/1947, họ bảo cô dọn đi. Manley đã đưa Short đến một nhà trọ ở gần đó. Ngày 9/1, Manley lái xe đưa Short đến Los Angeles để gặp chị gái tại khách sạn Biltmore. Hai người tạm biệt nhau lúc 18 giờ 30 ở sảnh khách sạn. Kể từ lúc đó, Manley không hề biết Short làm gì và đi đâu.
Hai thám tử bên xác Short trong quá trình điều tra
Chuyện gì xảy ra trong thời gian một tuần kể từ lúc Short đến Biltmore đến khi người ta phát hiện ra xác cô vẫn còn là điều bí ẩn. Chỉ có một điều chắc chắn rằng trong 7 ngày này, cô đã có cuộc gặp định mệnh với kẻ giết mình.
Ngày 25/1, sau khi phát hiện thi thể Short, người ta tìm thấy chiếc ví da màu đen và đôi giày hở mũi màu đen của Short gần hiện trường vụ án. Robert Manley xác nhận đây chính là những đồ dùng của Short. Anh nhận ra vì đã trả tiền thay đế giày cho cô ở San Diego. Còn chiếc ví vẫn thơm mùi nước hoa mà Short đã xức khi họ lái xe từ San Diego tới Los Angeles.
Ai đó đã gửi đến tờ Los Angeles Examiner một bưu kiện 9 ngày sau khi Short chết. Hộp kiện sặc mùi xăng mà kẻ giấu mặt đã dùng để tẩy dấu vân tay. Trong đó là đồ đạc của Short, gồm ảnh, giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, giấy báo tử của Matt Gordon, một quyển sổ địa chỉ ghi tên 75 người đàn ông.
Cảnh sát mau chóng lần tìm tung tích những người này và họ đều đưa ra những câu trả lời giống nhau đến ngạc nhiên, rằng họ gặp Short trên phố, trong câu lạc bộ, mua đồ uống, đồ ăn tối cho cô nhưng không bao giờ nhìn thấy cô lần nữa sau khi cô nói rõ ràng rằng không quan tâm đến chuyện quan hệ thể xác.
Quanh hiện trường nơi phát hiện ra xác Short, 40 cảnh sát đã được huy động để lùng sục, tìm kiếm, gõ cửa từng nhà để tìm manh mối, bằng chứng. Họ kiểm tra máng nước, các hiệu giặt tự động để tìm quần áo dính vết máu, thẩm vấn người dân, soi tìm từng bãi rác. Nhưng tất cả không dẫn tới đâu cả.
Sau đó, các điều tra viên có đến nhà ông Cleo, bố cô, thông báo về cái chết của cô. Ông sống cách nơi phát hiện ra xác cô vài km. Tuy nhiên, ông cho biết ông đã không gặp Short đã 3 năm. Thậm chí, ông từ chối đến nhận diện xác con gái.
Hơn 20 người từng quen biết Short đã được thẩm vấn nhưng họ cũng không đưa ra được thông tin gì giúp ích cho cuộc điều tra. Có điều đặc biệt là sau khi vụ giết người lên mặt báo, có tới hơn 50 người tự nhận là hung thủ ra đầu thú, từ những kẻ bị thần kinh cho đến những kẻ thèm khát được dư luận chú ý. Trong khi đang nỗ lực tìm ra kẻ sát nhân, cảnh sát lại phải tốn nhiều nhân lực và thời gian chỉ để chứng minh rằng những kẻ thú tội trên là vô tội.
Giả thiết kẻ giết Short không phải là người quen mà có thể là người qua đường cũng được đặt ra. Hàng ngàn người đã bị thẩm vấn dù cho chỉ liên quan tí chút đến Short, tuy nhiên, mọi việc chẳng đi đến đâu. Kết quả là chiếc tủ sắt đựng hồ sơ đã chật cứng giấy tờ lấy lời khai và ghi chép.
Kể cả giả thiết về một sinh viên trường Y đã giết Short cũng được đưa ra dựa trên lý luận rằng người này đã làm sạch cơ thể nạn nhân rất chuyên nghiệp. Cơ quan điều tra đã yêu cầu trường Đại học Southern California phải nộp danh sách sinh viên khoa y của trường.
FBI ngập trong núi thư gửi cho Giám đốc J. Edgar Hoover từ vô số người, trong đó họ tuyên bố biết thủ phạm hoặc đổ tội cho một ai đó mà họ thù ghét.
Bia mộ "thược dược đen"
Nhiều cuốn sách sau đó đã được viết với nhiều suy luận và giả thiết khác nhau. Tiêu biểu là cuốn "Kẻ sát nhân thược dược đen là bố tôi" của Janice Knowlton, một chuyên gia về quan hệ công chúng. Nhưng cuốn sách này đã thất bại thảm hại.
Nhưng cuốn "Kẻ trả thù thược dược đen: Một thiên tài giết người" của một thám tử về hưu của Sở cảnh sát Los Angeles tên là Steve Hodel. Cuốn sách này đã trở thành một cuốn sách bán chạy trên cả nước Mỹ.
Năm 2006, đạo diễn Brian De Palma đã ra mắt bộ phim “Thược dược đen” (Black Dahlia) dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của James Ellroy. Bộ phim không thành công nhưng vẫn được đề cử giải Oscar cho hạng mục quay phim xuất sắc nhất.
Bên cạnh đó, những câu chuyện, cuốn sách, bài báo không ngừng xoay quanh cái chết của “thược dược đen”. Nhiều giả thiết liên tục được đặt ra. Những người liên quan vẫn tiếp tục bị điều tra chất vấn. Tuy vậy, trong mấy thập kỷ qua cảnh sát vẫn không thể tìm ra tung tích hung thủ. Đến nay, cái chết của "thược dược đen" vẫn là một trong những vụ án tang thương, ám ảnh nhất thế kỷ XX.
Mời quý vị và các bạn đón đọc các vụ án tiếp theo trong chuyên mục Vụ án hình sự nổi tiếng thế giới vào lúc 9h sáng thứ 6 ngày 24/10 trên Báo điện tử Công lý - Congly.com.vn. |