Tên cướp ngân hàng và bắt cóc có biệt danh “súng máy” (Kỳ 2)
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 08:41, 02/08/2014
Hồ sơ của hắn mang đầy mầu sắc với các phi vụ bắt cóc ầm ĩ nhất nước Mỹ, những cuộc vượt ngục và cướp nhà băng gây chấn động.
Kỳ 2: Cướp ngân hàng và bắt cóc
Biệt danh Kelly “súng máy” và những vụ cướp ngân hàng
George Kelly là một tên cướp ngân hàng và bắt cóc liều mạng với biệt danh “Kelly súng máy”. Chỉ cần nghe tên của hắn, người ta nhớ tới quãng thời gian làn sóng tội phạm bùng lên mạnh mẽ ở Trung và Tây Mỹ - đó là quãng thời gian của tướng cướp John Dillinger, của kẻ giết người có gương mặt trẻ thơ Nelson Baby, cặp đôi Bonnnie và Clyde, nhóm Barker…
Cuộc đời Kelly thay đổi khi hắn gặp Kathryn, một phụ nữ trẻ nhưng đã có đến ba đời chồng. Kathryn đã mua cho Kelly khẩu súng đầu tiên, dạy hắn cách sử dụng và biến Kelly trở thành xạ thủ số một trong giới tội phạm thời bấy giờ. Tháng 9/1930, Kelly và Kythryn kết hôn tại Minneapolis. Hai người sống tại nhà chồng cũ của Kythryn.
Lệnh truy nã đối với Kelly
Trong thời gian chịu án ba năm ở nhà tù Leavenworth, Kelly gặp gỡ và quen với những tên cướp ngân hàng khét tiếng lúc bấy giờ như Charlie Harmon, Frank Jelly Nash, Francis Jimmy Keating và Thomas Holden... và biết đến John Dilinger, nhân vật huyền thoại của những vụ cướp ngân hàng. Từ đó, hắn bắt đầu chuyển từ việc buôn lậu sang cướp ngân hàng vì số tiền kiếm được từ những vụ cướp lớn và không tốn nhiều thời gian.
Ngày 15/7/1930, Kelly tham gia vụ cướp ngân hàng đầu tiên cùng với Keating và Holden. Mục tiêu của chúng là ngân hàng Willmar, Minnesota. Số tiền chúng cướp được lên tới 70.000 đô la Mỹ. Kelly đã dùng súng khống chế người thủ quỹ cho những tên khác gom tiền. Thành công sau vụ cướp đầu tiên, Kelly tiếp tục tham gia các vụ cướp ngân hàng khác.
Năm 1932, Kelly gặp gỡ và quen với Albert L. Bates, một tên tội phạm khét tiếng. Kelly và Bates đã hợp tác với nhau trong nhiều phi vụ sau này. Vụ cướp ngân hàng cuối cùng của Kelly được nhắc đến là vào ngày 30/11/1932, Kelly, Bates cùng hai tên khác tham gia cướp Ngân hàng Nhà nước ở Tupelo, Mississippi. Số tiền chúng cướp được là 30.000 đô la.
Sau vụ đó, Kelly quay trở lại với hoạt động buôn lậu, không còn tham gia các vụ cướp ngân hàng. Những vụ cướp mà Kelly thực hiện đều quá hoàn hảo trong kế hoạch, nên cảnh sát không thể bắt được chúng. Sau này, Kelly cho biết chính Kathryn đã giúp hắn lên kế hoạch, thậm chí có lần Kathryn đã cải trang thành đàn ông để đi theo hỗ trợ Kelly trong một vài phi vụ.
Bắt cóc
Vụ bắt cóc đầu tiên mà Kelly tham gia là vào năm 1930, đồng phạm với hắn là một sĩ quan cảnh sát tên là Bernard Phillips. Nạn nhân của chúng sau đó đã bị Bernard giết chết. Liên tiếp sau đó, Phillips có lôi kéo Kelly tham gia một vài vụ khác nhưng không được, Kelly từ chối vì số tiền chuộc chúng có được sau những vụ bắt cóc không nhiều.
Kelly tham gia vụ bắt cóc thứ hai vào đầu năm 1932. Hôm đó là ngày 27/1/1932, Howard Woolverton, một nhân viên ngân hàng, vội vã về nhà sau giờ làm. Howard vừa bước vào xe thì bất ngờ một tay súng xuất hiện. Hắn khống chế Horward, bắt anh lái xe ra khỏi thành phố, và nhốt anh tại một ngôi nhà hoang nơi đồng bọn của hắn đã chờ sẵn. Một cuộc điện thoại với yêu cầu khoản tiền chuộc lên đến 50.000 đô la Mỹ đã được gọi về cho vợ Howard. Hai kẻ bắt cóc chính là Kelly và Eddie Doll. Kelly và Eddie đã giam giữ Howard gần hai ngày. Nhưng khi biết gia đình Howard không thể xoay được số tiền lớn như vậy, chúng đã thả Howard ra và đe dọa sẽ quay lại để lấy số tiền đó khi cần.
Thời gian ở Fort Worth, Kelly cùng vợ mình, Kathryn đã lên một vài kế hoạch bắt cóc. Mục tiêu đầu tiên ở Fort Worth của chúng là con trai một ông trùm dầu mỏ ở địa phương. Kathryn có ý định rủ rê hai nhân viên cảnh sát là J. W. Swinney và Ed Weatherford tham gia phi vụ này cùng với vợ chồng mình nhưng đều bị từ chối vì kế hoạch quá mạo hiểm. Ngay sau đó, các nhân viên FBI đã nắm được thông tin vụ bắt cóc và mục tiêu của chúng được bảo vệ một cách đặc biệt nhất. Vợ chồng Kelly buộc phải từ bỏ kế hoạch này.n
(Còn nữa)