Giải mã những kẻ sát nhân bí ẩn nhất thế giới (kỳ 2)

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 10:01, 01/08/2014

Vào giữa thế kỷ 19, nước Anh đón nhận một dòng người nhập cư khổng lồ, dân cư đông đúc nhưng việc làm hạn chế khiến cuộc sống trong khu vực này rất tồi tệ. Lâu dần theo thời gian, cướp, bạo lực, mại dâm và nghiện rượu là đặc trưng ở khu Whitechapel.

KỲ 2: BÍ ẨN VỀ TÊN SÁT NHÂN ĐÁNG SỢ NHẤT NHÂN LOẠI MANG BÍ DANH “JACK ĐỒ TỂ”

"Jack the Ripper" - “Jack đồ tể” là một trong những tên sát nhân đáng sợ nhất mà nhân loại từng được biết đến. Hắn ám ảnh Thủ đô Luân Đôn (Anh) trong một thời gian dài bằng những vụ án ghê rợn. Tuy nhiên, danh tính đích thực của kẻ giết người cho đến nay vẫn nằm sau bức màn đen bí ẩn.

Hai vụ phanh thây đẫm máu

Vào giữa thế kỷ 19, nước Anh đón nhận một dòng người nhập cư khổng lồ, dân số tại các thành phố lớn, nhất là Thủ đô Luân Đôn tăng nhanh chóng mặt. Dân cư đông đúc nhưng việc làm hạn chế khiến cho điều kiện sinh sống trong khu vực này rất tồi tệ. Lâu dần theo thời gian, cướp, bạo lực, mại dâm và nghiện rượu là đặc trưng phổ biến ở khu Whitechapel.

Giải mã những kẻ sát nhân bí ẩn nhất thế giới (kỳ 2)

 

Mô tả chân dung hung thủ

 

Trong tháng 10/1888, Cảnh sát Luân Đôn ước tính có 62 nhà thổ và 1.200 phụ nữ làm việc như gái mại dâm ở Whitechapel. Mô tả Whitechapel trong giai đoạn này chính là tập hợp của vô số kiếp người cơ cực, sống dưới tận cùng của xã hội ngay giữa lòng Thủ đô nước Anh. Không khí ở đây ẩm thấp, tối tăm, với những ngôi nhà xập xệ, xung quanh là cống rãnh và chất thải chảy ra từ các lò mổ bẩn thỉu.

 

Giải mã những kẻ sát nhân bí ẩn nhất thế giới (kỳ 2)

Bức thư đẫm máu của “Jack đồ tể”

 

Và rồi cũng chính tại khu vực nghèo đói đáng sợ này, cơn ác mộng của Luân Đôn bắt đầu diễn ra. Đó là thứ Sáu, ngày 31/8/1888, khi cảnh sát tìm thấy thi thể của một phụ nữ tên là Marry Ann Nicholls, 42 tuổi, ở phố Bucks Row. Cổ họng cô bị cắt bởi hai vết dao sắc bén, và phần dưới bụng bị rạch sâu bởi rất nhiều vết bằng dao. Một số nội tạng bị lôi ra ngoài và đặt quanh xác của Marry.

Rạng sáng thứ sáu, 8/9/1888, xác nạn nhân thứ hai đã được phát hiện. Đó là Annie Chapman, 47 tuổi, một phụ nữ làm nghề mại dâm. Thi thể được tìm thấy trên một lối đi bộ phía sau căn nhà số 29, đường Hanbury. Tương tự như nạn nhân Marry, đầu của Chapman gần như bị cắt lìa bởi hai nhai nhát dao sâu ngay cổ. Tài sản cá nhân vẫn còn nguyên, chứng tỏ đây không phải là vụ cướp của giết người. Ghê rợn hơn, khoang bụng của Chapman bị mở tung, nội tạng bị lôi ra ngoài và tử cung đã bị cắt bỏ. Một người quen đã nhìn thấy Chapman đi với một quý ông tóc đen ăn mặc lịch lãm vào tối hôm trước.

Những bức thư rùng rợn

Ngày 27/9/1888, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư ký tên “Jack the Ripper” (Tạm dịch là Jack đồ tể) tự nhận là tác giả của hai vụ thảm sát nói trên và đe dọa sẽ phanh thây thêm nhiều nạn nhân nữa trong vài ngày tới. Ngay lập tức, bức thư được chuyển tới tay của Sở Cảnh sát Luân Đôn. Ban đầu cảnh sát chỉ coi đây là một trò đùa ác ý không đáng quan tâm. Nhưng chỉ ba ngày sau, ngày 30/9/1888, tên sát nhân đã cho thấy những lời trong bức thư không phải là đe dọa suông.

Trong vòng một đêm có tới hai nạn nhân nữa bị sát hại trong khoảng thời gian cách nhau không lâu. Cô gái điếm Elizabeth Stride là một trong hai người phụ nữ không may mắn đó. Một người bán hàng rong đã phát hiện cái xác vấy máu của cô lúc 1h sáng khi anh đánh xe vào sân sau câu lạc bộ công nhân quốc tế nằm trên đường Berner. Máu cô ta nhuộm đỏ cả một góc đường bởi những nhát chém ác độc bằng dao của hung thủ.

Nạn nhân thứ hai là Catherine Eddowes, được một cảnh sát phát hiện vào lúc 1h45 sáng. Khuôn mặt nạn nhân bị rạch nát bét, cổ họng đứt đôi, quả thận trái cùng với hầu hết ruột gan đã bị lấy đi. Một điều đặc biệt là Eddowes đã bị cảnh sát bắt vào buổi chiều ngày 29/9 vì tội uống rượu say và quấy rối trật tự công cộng. Đến tối đó, nhận thấy Eddowes đã hối hận, cảnh sát quyết định thả cô ta nhưng vô tình lại cung cấp cho tên ác ôn một con “mồi ngon”.

Cả Luân Đôn chìm trong sợ hãi và chắc chắn rằng kẻ viết thư nhận mình là “Jack đồ tể” chính là thủ phạm của tất cả vụ án này. Cái tên “Jack đồ tể” nhanh chóng hằn sâu vào nỗi sợ hãi của người dân sau khi nó xuất hiện trên nhiều tờ báo cùng lúc. Cả khu vực Whitechapel trở nên hoảng loạn. Sự kinh dị của hai vụ giết người xảy ra gần như đồng thời đã bóp nghẹt tinh thần người dân Luân Đôn.

Tới ngày 1/10/1888, Thông tấn xã Trung ương lại nhận được thư từ “Jack đồ tể”. Chữ viết tay giống hệt bức thư đã gửi trước đó. Nội dung mô tả lại cách thức giết chết Stride và Eddowes. Có lập luận cho rằng kẻ viết lá thư chỉ là một tên rỗi hơi, sau khi đọc báo về những vụ giết người đã gửi thư để chọc tức cảnh sát. Nhưng bức thư lại được đóng dấu bưu điện chỉ 24 giờ sau khi các vụ giết người diễn ra. Còn thông tin về vụ án phải mất rất lâu sau mới được công bố trên báo chí.

Một bức thư với tựa đề "từ địa ngục" đã được gửi đến George Lusk, lãnh đạo của Ủy ban an ninh Whitechapel, vào ngày 16/10/1888. Bức thư là của “Jack đồ tể” và đi kèm là một hộp nhỏ trong đó có một nửa quả thận, bảo quản trong rượu vang, đó là thận của Eddowes. Trong thư, Jack đồ tể tuyên bố rằng hắn đã chiên và ăn nửa quả thận.

Hai tháng sau, vào ngày 9/11/1888, “Jack đồ tể” lại tiếp tục công việc của mình. Nạn nhân là Marry Jeanette Kelly, một cô gái 25 tuổi xinh xắn mà theo thám tử Walter Dew, trong cuốn tự truyện của mình, đã mô tả đây là một cô gái xinh đẹp, gợi cảm. Nhưng thi thể mà cảnh sát đã phát hiện lại vô cùng ghê rợn. Trong phòng trọ tại khu nhà Millers ở đường Dorset Street, thi thể Kelly trần truồng, thịt ở hai má đã bị xẻo mất, cánh tay trái gần như đứt lìa khỏi cơ thể… Kelly được coi là nạn nhân chính thức cuối cùng của “Jack đồ tể”, sau vụ gây án này tên sát thủ không hại thêm ai hay gửi thư đến cho cảnh sát nữa.

Hung thủ là ai?

Các vụ giết người buộc Cảnh sát Anh phải cử nhiều thám tử tài ba nhất xuống để hỗ trợ. Nhưng trong suốt hơn 100 năm sau, “Jack đồ tể” là ai, vẫn chưa có lời giải dù cho đã có hơn 2.000 người bị tình nghi, 300 người từng bị điều tra, giám sát, và 80 người đã bị bắt để phục vụ điều tra. Thậm chí có hai kẻ giết người đã tự nhận mình là “Jack đồ tể”. Nhưng sau quá trình điều tra, cảnh sát kết luận rằng đây là một trò lừa bịp để được nổi tiếng. Ngay cả một thành viên của gia đình Hoàng gia Anh cũng bị đưa vào tầm ngắm. Đó là Công tước xứ Clarence, con trai cả của Hoàng tử xứ Wales và Alexandra.

Henry Smith, quyền ủy viên của Cảnh sát thành phố Luân Đôn tin rằng hung thủ là một tên hàng thịt biến thái, thích giết mổ con người. Chính vì vậy đã có hơn 76 người hàng thịt và giết mổ đã bị điều tra, lục soát trong gần 6 tháng nhưng không có một bằng chứng nào được phát hiện. Kể cả những tàu thuyền gia súc chạy dọc trên sông ngòi London và ra vào cảng cũng bị kiểm tra sổ sách nhưng không hề có thông tin nào trùng khớp với các vụ giết người.

Theo tài liệu của cảnh sát, lúc bấy giờ chỉ còn 4 nhân vật có tình nghi lớn nhất là “Jack đồ tể”, bao gồm: Kosminski, một người Ba Lan gốc Do Thái sống trong khu ổ chuột của Whitechapel; Montague John Druitt, một luật sư kiêm giáo viên đã tự tử vào tháng 12/1888; Michael Ostrog, một kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp và lừa gạt; và Francis J. Tumblety, 56 tuổi, một lang băm người Mỹ bị bắt vào tháng 11/1888 vì tội quấy rối tình dục và đã chuồn khỏi nước Anh. Tuy nhiên, cảnh sát cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.

Còn tiếp...

Hung thủ là phụ nữ?

Mãi tới năm 2005, khoa Sinh học trường ĐH Brisbane (Úc) mới có lời giải tại sao tên sát nhân lại không được tìm ra. Với sự cho phép của sở Cảnh sát Luân Đôn, các nhà khoa học đã lấy được ADN của sát thủ bên dưới con tem mang hình nữ hoàng Victoria trong bức thư gửi tới Thông tấn xã Trung ương. Điều bất ngờ nhất đây là ADN của nữ giới. Trước đây khi điều tra, các cảnh sát đã tập trung quá nhiều vào nam giới mà bỏ mất giả thuyết quan trọng tên sát nhân đáng sợ là một phụ nữ. Chính điều này đã khiến cho danh tính thật sự của “Jack đồ tể” mãi mãi không bao giờ được tìm ra.

 

Thiết Tràng - Hải Sơn