Công bố hồ sơ mật về những “đại ma đầu” giết người hàng loạt chấn động dư luận tại Trung Quốc (kỳ 1)

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 07:56, 30/05/2014

KỲ 1: KẺ GIẾT NGƯỜI MAN RỢ VÀ NGHI ÁN ĂN THỊT NGƯỜI

Các nhà khoa học thế giới vẫn đang tiếp tục công trình nghiên cứu: Liệu có hay không “gen tội phạm” (MAO – A)? Theo nghiên cứu ban đầu thì đây là gen có tác động kích thích quá trình sản sinh một số loại hóa chất trong não. Khi những hóa chất này sản sinh, chúng có tác dụng đẩy cảm xúc “gây chiến” lên cao và chính là nguyên nhân làm gia tăng tính “côn đồ” ở những người có mang gen MAO – A. Có lẽ chỉ có cách giải thích này mới lý giải được hành vi phạm tội “trời không dung, đất không tha” của những “đại ma đầu” cướp giết hiếp hàng loạt mà báo chí Trung Quốc đã xếp chúng vào hạng ác ma kinh hoàng nhất từ khi thành lập nước Trung Quốc đến nay.

Công bố hồ sơ mật về những “đại ma đầu” giết người hàng loạt chấn động dư luận tại Trung Quốc (kỳ 1)

Ác ma Trương Vĩnh Minh

Sinh năm 1955, hộ khẩu tại thị trấn Tấn Thành (huyện Tấn Ninh, TP. Côn Minh, tỉnh Vân Nam), trong 4 năm, Minh đã giết chết 11 người. Khi lực lượng cảnh sát khám xét nhà của Trương Văn Minh đã phát hiện một bình thủy tinh ngâm khoảng 20 đôi mắt người và những miếng thịt được phơi khô trong nhà rất giống thịt người. Ngày 10/1/2013, TAND trung cấp TP. Côn Minh căn cứ kết quả phúc thẩm của TAND Tối cao Trung Quốc tuyên án tử hình và hành quyết ngay lập tức đối với Minh, kẻ sát nhân hàng loạt được gọi là “ác quỷ ăn thịt người”.

Công bố hồ sơ mật về những “đại ma đầu” giết người hàng loạt chấn động dư luận tại Trung Quốc (kỳ 1)

Phụ huynh của những nạn nhân mất tích

Những vụ mất tích bí ẩn

Vùng Nam Môn (thị trấn Tấn Thành) – “khu vực hình thang” có diện tích chỉ hơn 2km, bốn mặt đều có đường xe qua lại, nhưng từ năm 2007 đến 2012 liên tục xảy ra nhiều trường hợp mất tích kỳ quặc. Tại đây, thôn dân Lý Ngọc Đông có con trai tên là Lý Hán Hùng (12 tuổi).

Sáng ngày 1/5/2007, Hùng theo cha mẹ ra ruộng rau. Khoảng hơn 9h sáng, Đông bảo con về nhà trước chuẩn bị bữa trưa. Hùng vừa đi khoảng trăm mét thì Đông chợt nhớ có bộ quần áo để trong chòi ở một ruộng rau khác gần đường lộ nên bảo con sang đó lấy về giặt. Đến gần 12h trưa, Đông về nhà thì không thấy con đâu. Tìm mãi đến 17h tối mà không kết quả, Đông hốt hoảng chạy đến đồn báo cảnh sát.

Tiếp đó, ngày 27/1/2011, cậu học sinh cấp 2 Tạ Hải Tuấn từ trường trở về thì mất tích. Cha của Tuấn là ông Tạ Thuận Sinh cho biết, gia đình đã cho người đi tìm tại 30 lò gạch, in giấy tìm người tốn hơn 1.000 nhân dân tệ, thậm chí tìm gặp những người có tiếng trong xã hội tại Côn Minh để “nhờ” tìm con với giá 50.000 nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ VNĐ). Nhưng cuối cùng vẫn bóng chim tăm cá.

Tiếp đó, vụ mất tích của hai thiếu niên Trần Đào (17 tuổi) và Thái Vân Vĩ (16 tuổi) càng khiến người ta rợn tóc gáy. “Lúc 9h sáng cô của nó về nhà còn thấy nó đứng chơi ở sườn đồi gần kho đông lạnh Vinh Thần. Đến 9h30, nó còn gọi cho cô nó hai cuộc điện thoại. Đến 11h trưa gọi lại cho nó thì máy đã tắt”, mẹ của Trần Đào là bà Dương Long nói.

Khoảng 9h sáng ngày 19/2/2012, Thái Vân Vĩ từ kho đông lạnh Kim Vân đến chỗ làm. Khi đi qua khu nhà vệ sinh của kho đông lạnh thì bỗng… mất tích. Sáng ngày 25/4/2012, lại thêm cậu thanh niên Hàn Diệu (19 tuổi) mất tích kì lạ. Ngoài trường hợp Hàn Diệu, Thái Vân Vĩ, Lý Hán Hùng, Trần Đào, Tạ Hải Tuấn, còn có Trương Thông Lâm (22 tuổi) mất tích ngày 6/12/2011; Hồ Hưng Việt (16 tuổi) mất tích ngày 11/7/2011; Mã Vân Long (17 tuổi) mất tích ngày 12/8/2009; Lưu Hy (17 tuổi) mất tích ngày 7/6/2008; Lý Đồng (15 tuổi) mất tích ngày 9/11/2010; Lục Gia Long (14 tuổi) mất tích ngày 16/2/2007.

Cho đến đầu tháng 5/2012, những thông tin và hình ảnh cụ thể về những nạn nhân mất tích được gia đình họ Hàn thu thập đã gửi đến cơ quan thông tấn và cảnh sát địa phương, đồng thời phát tán trên mạng. Thông tin này gây chấn động dư luận. Cục Công an TP. Côn Minh cùng công an huyện Tấn Ninh thành lập ban chuyên án điều tra vụ “11 người mất tích bí ẩn ở Tấn Thành”.

Ông Diêu Chí Hoằng, người phát ngôn của Cục công an TP. Côn Minh cho biết, xâu chuỗi các vụ mất tích, phát hiện một số chi tiết ly kỳ như sau: Một là, khu vực xảy ra mất tích được báo không phải là nơi thâm sâu, vắng vẻ mà nằm trong “khu vực hình thang”, xe cộ qua lại nhiều. Thứ hai, thời điểm xảy ra mất tích không phải là đêm hôm khuya khoắt mà là khoảng 9-11h sáng. Thứ ba, số người mất tích toàn là nam giới, lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi.

Lộ mặt hung thủ

Qua các thông tin trên, ban chuyên án hướng điều tra về khả năng có kẻ sát nhân bệnh hoạn, hoặc giết người diệt khẩu. Tập trung lực lượng rà soát các đối tượng nghi vấn quanh vùng, thăm dò những hiện tượng đáng ngờ do người dân cung cấp, đến ngày 9/5/2012, lực lượng cảnh sát đã xác định kẻ tình nghi số 1.

Ngày 10/5, cảnh sát đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Minh, người hàng xóm của một số gia đình nạn nhân mất tích. Theo cơ quan điều tra, Minh ở một mình từ năm 1997 sau khi đi tù về. Y không giao thiệp với ai và cũng không ai qua lại với y kể cả anh em họ hàng. Nhà ông Lý Ngọc Đông, cha của nạn nhân Lý Hán Hùng, cách nhà Trương Vĩnh Minh chỉ 200m và hôm Lý Hán Hùng mất tích, có bà lão thấy cậu bé đi qua rẫy bắp của Minh.

Trong gia đình Trương, mẹ và anh trai cũng từng bị truy tố về tội “Giết người”. Minh mang tội “Giết người” từ năm 1974 khi y 18 tuổi. Năm ấy tại nhà mình, vào lúc 4h sáng, bỗng dưng Minh thức giấc dùng dao chém bạn học là Lục Sĩ Vinh đang ngủ chung 13 nhát. Do được định tội là “mộng du giết người”, Minh chỉ bị giam 6 tháng, bồi thường 50 nhân dân tệ.

Năm 1978, Minh được Đội sản xuất Nam Môn phân công làm trong xưởng đồ gốm. Đội trưởng Đội sản suất Nam Môn Vương Vũ nhớ lại: “Minh ở đó có chơi thân với một bé trai 10 tuổi. Một đêm, đứa bé ấy về nhà y ngủ, không ngờ bị y chém đứt lìa tay chân, xác bị ném ra sông”. Minh chạy trốn đến huyện Trừng Giang thì bị cảnh sát bắt được. Mọi người đều cho là lần này Minh sẽ bị tử hình nhưng không hiểu sao y được phán tử hình tạm hoãn 2 năm.

Minh ngồi tù 19 năm, đến năm 1997 được thả về quê. Nhưng cho đến khi Minh ra tù, người trong thôn vẫn không ai rõ động cơ giết người của y là gì. Lúc y về Nam Môn thì cha mẹ đều đã chết, nhà cửa cũ nát, nên y làm nhà bên cạnh cầu Đại Thạch để ở. Minh còn có 1 anh trai và 1 chị gái nhưng đã đoạn tuyệt hẳn. Hai năm trước anh trai qua đời, Minh cũng không đến viếng. Lực lượng công an cho hay, vào lúc 21h ngày 14/12/2010, Minh đã dùng dây thừng kéo cổ một cậu học sinh trên đường học thêm về nhà. Do cậu bé phản ứng nhanh nên thoát ra được và đấm lại vào mặt Minh. Khi mọi người kéo đến thì Trương giải thích là “đùa giỡn”.

Tội ác và trừng phạt

Khám xét và khai quật trong nhà, ngoài vườn của Minh liên tiếp 7 ngày đêm, lực lượng công an đã tìm thấy vô số mẫu xương người và quần áo, giấy tờ… Đặc biệt là xác của Hàn Diệu vẫn còn đang phân hủy, tay chân đều bị chặt lìa. Ngoài ra còn phát hiện một bình thủy tinh ngâm khoảng 20 đôi mắt người và những miếng thịt được phơi khô trong nhà rất giống thịt người. Vì thế thông tin Minh giết người thịt để ăn, làm đồ ăn nuôi súc vật và thậm chí còn mang thịt ra bán ở ngoài chợ đã làm xôn xao dư luận.

Ngày 27/7/2012, cơ quan công an công bố đã phá thành công vụ án “11 người mất tích bí ẩn tại Nam Môn”. Hung thủ Trương Vĩnh Minh đã thú nhận toàn bộ tội lỗi. Theo đó, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2012, tại các địa điểm gần kho đông lạnh Kim Vân, Vinh Thần thuộc thôn Nam Môn, Minh đã lần lượt sát hại 11 người. Thủ đoạn của y là dùng dây bất ngờ tròng vào cổ nạn nhân kéo từ phía sau thít chặt cho chết rồi kéo về vườn nhà “xẻ thịt”, phân xác nạn nhân rồi chôn. Một nguồn tin cho hay, Minh là kẻ có bệnh thần kinh. Y nói: “Tôi rất sợ phải giết người và cắt đầu ai đó, nhưng nếu tôi không làm chuyện đó sẽ có người khác làm thay tôi, người đến từ hành tinh khác rất độc ác họ sẽ tàn phá tất cả…”.

Hàng loạt cảnh sát bị miễn chức, kỷ luật

Ngày 28/7/2012, TAND Côn Minh đã đưa vụ án này ra xét xử và tuyên án tử hình Trương Vĩnh Minh về tội “Cố ý giết người” và bồi thường thiệt hại cho 11 nạn nhân. Bản án được giữ nguyên trong phiên xử phúc thẩm ngày 10/1/2013. Trương Vĩnh Minh bị hành quyết ngay trong ngày. Liên quan đến vụ án Trương Vĩnh Minh, Cục trưởng Cục công an Tấn Ninh là Đạt Kỳ Minh, đồn trưởng công an thị trấn Tấn Thành là Triệu Hội Vân bị miễn chức, 10 cảnh sát bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm.

(Còn nữa)

Thiên Tường (Theo xinhuanet, fazhiwang)