Xử phúc thẩm vụ ngư dân Trung Quốc đâm chết lính tuần dương Hàn Quốc: Sẽ có phán quyết cuối cùng
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 07:12, 29/08/2012
Mức án được phía công tố đề xuất cho phiên tòa diễn ra vào trung tuần tháng 9 tới là tử hình hoặc chung thân cho Cheng Dawei, 43 tuổi, thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc. Thực tế thì người này trước đó đã bị tuyên 30 năm tù trong phiên sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi án được tuyên, cả Công tố viên và luật sư biện hộ đều quyết định kháng cáo lên Tòa án tối cao.
Lập luận của những người bảo vệ ông Cheng là do Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển Hoàng Hải, do đó phán quyết dựa trên pháp luật về vùng đặc quyền kinh tế là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, lý do này sẽ không được đưa ra trước Tòa bởi yêu cầu mời một luật sư người Trung Quốc (ông Hu Xianpang) của bị cáo đã bị Tòa từ chối. Thay vào đó, một luật sư người Hàn Quốc được chỉ định để biện hộ cho ông Cheng trước Tòa. Luật sư này cho rằng, hành động giết người của thân chủ chưa đến mức nghiêm trọng nên bản án có thể từ 9 đến 20 năm tù.
Ngư dân Cheng Dawei bị dẫn giải ra Tòa
Trở lại vụ việc khiến quan hệ hai nước căng thẳng này, ngày 12-12-2011, hai tàu đánh cá Trung Quốc đã bị lực lượng tuần dương Hàn Quốc chặn trên biển Hoàng Hải với cáo buộc đánh bắt trái phép ở khu vực giàu hải sản ở ngoài khơi Incheon, phía Tây Seoul. Hạ sĩ 41 tuổi họ Lee đã bị một ngư dân Trung Quốc dùng mảnh kính vỡ đâm vào bụng trong lúc xung đột cùng lực lượng tuần dương Hàn Quốc đột kích tàu ở khu vực cách đảo Incheon 85km. Binh sĩ này đã chết sau khi được đưa tới bệnh viện. Một một binh sĩ khác cũng họ Lee, 33 tuổi, bị thương vào bụng và đang được chữa trị tại Bệnh viện Incheon. Ngay lập tức, chiếc tàu cá và 9 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt giam. Vụ tấn công xảy ra khi các lính biệt kích Hàn Quốc đụng độ với các ngư dân nhằm kiểm soát hai con tàu cá đang đánh bắt ở biển Hoàng Hải, đoạn gần biên giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Thực tế thì đây là hành động ngăn chặn khá thường xuyên của lực lượng tuần dương Hàn Quốc. Theo thông tin từ lực lượng này, năm 2010, họ đã bắt giữ 470 tàu Trung Quốc vì đánh bắt trái phép ở biển Hoàng Hải, tăng lên 100 tàu so với năm 2009. Các tàu đều được tha sau khi họ nộp tiền phạt, tuy nhiên mức độ thù nghịch của những ngư dân bị ngăn chặn ngày càng cao. Năm 2008, một binh sĩ tuần tra bờ biển Hàn Quốc bị giết và 6 người khác bị thương trong một xung đột với các ngư dân Trung Quốc trên lãnh hải Hàn Quốc.
Vụ việc cũng đã gây bùng phát phẫn nộ trong một bộ phận dân chúng Hàn Quốc. Trong cuộc biểu tình một ngày sau khi binh sĩ Lee thiệt mạng trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul, một người biểu tình cánh hữu đã đâm chiếc xe SUV của mình ba lần vào xe cảnh sát canh giữ tòa nhà trong khi những người khác xé rách quốc kỳ của Trung Quốc. Trên mạng Internet đã xuất hiện lời kêu gọi nã pháo vào các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc. Tờ nhật báo JoongAng Ilbo đã gọi các ngư dân Trung Quốc là “cướp biển” trên trang nhất. Còn tờ Chosun Ilbo trong một bài xã luận cho rằng, lực lượng tuần tra bờ biển nên có thêm tàu và phải quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lại các ngư dân có trang bị vũ khí.
Về mặt ngoại giao, Hàn Quốc đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra lời xin lỗi chính thức và phải thực hiện các biện pháp “chấp nhận được” để ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn. Ngoài ra, theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Lee đã triệu tập một cuộc họp nội các ra quyết định Hàn Quốc sẽ cứng rắn hơn đối với các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép trên lãnh hải Hàn Quốc.
Tòa án tối cao Seoul dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào thứ hai, 13-9.
Hải Yến (theo AP)