Cuộc truy lùng tên sát nhân xuyên lục địa (kỳ 2)
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 11:24, 13/04/2012
Kỳ 2: “Cáo già” sa lưới
Thủ đô Tirana (Albanie) rung động vì một vụ án mạng rùng rợn xảy ra vào đầu tháng 11-2006. Cảnh sát nhận được tin báo có cái gì đó nhấp nhô bất thường trên mặt nước và thứ tìm được là phần thi thể của một phụ nữ, riêng bàn tay đã bị chặt mất. Bất lực vì không có manh mối gì khả dĩ, Cơ quan điều tra Albanie đề nghị Đại sứ quán Mỹ giúp đỡ do gần đây họ liên tiếp phát hiện các thi thể bị cắt xẻo đến không còn nhân dạng. Nhân viên FBI Mike Clarke, tùy viên pháp lý đầu tiên của FBI có văn phòng tại Sofia, phụ trách các nước Bulgaria, Macedonia và Albanie, được chỉ định tiếp nhận hồ sơ.
Clarke đến nhà xác và hiểu rằng không thu thập được điều gì từ xác chết: Bác sĩ đã khâu các phần thi thể lại với nhau và lắp chân không chính xác, đến nỗi chân phải được gắn vào hông trái và ngược lại. Nhà xác thì không đủ lạnh nên xác chết bắt đầu phân hủy khi chưa nhận dạng được tông tích nạn nhân. Clarke gọi điện thoại đến tổng hành dinh FBI để yêu cầu giúp đỡ, kết quả là ba nhân viên - một chuyên gia pháp y và hai chuyên gia về hành vi tội phạm của bộ phận Phân tích hành vi FBI lập tức khăn gói sang Tirana.
Hiện trường tại chiếc hồ ở Thủ đô Tyrania, nơi thi thể người phụ nữ bị cắt rời được tìm thấy
Cùng với Clarke, 3 nhân viên FBI lập tức bắt tay vào công việc. Gary Reinecke, chuyên gia pháp y và hai nhà tội phạm học Craig Ackley và Dan Bermingham cùng lắc đầu. “Bạn không biết nạn nhân là ai, bạn không chăng dây thừng bao quanh hiện trường, bạn không khám nghiệm tử thi, bạn không biết đường đi lối lại. Không còn một manh mối nào ở đây cả” - Ackley báo cáo với cấp trên. Reinecke đề nghị đưa tử thi qua Mỹ, nơi có điều kiện tiến hành cuộc khám nghiệm thích hợp và có khả năng tìm hiểu một cái gì đó về người phụ nữ xấu số. Clarke gọi điện thoại cho Sở chỉ huy FBI và được chấp thuận phương án này. Ngày hôm sau, một chiếc quan tài bọc chì trị giá 5.000 USD được dùng để đựng tử thi, người ta thuê thợ hàn bịt kín quan tài theo quy định của ngành hàng không rồi chuyển về Mỹ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy người phụ nữ chết vì chấn thương do bị tấn công vào phía sau đầu và được cắt rời thân thể sau khi chết nhưng các Điều tra viên vẫn không đủ cơ sở để phác thảo hồ sơ cá nhân của nghi can.
Cả nhóm đang vò đầu bứt tai trong phòng họp thì một thám tử tên là James Osorio nghe lỏm Ackley nói về chuyến đi đến Albania và tham gia câu chuyện. “Tôi nghĩ tôi biết”, thám tử Osorio nói: “Tôi đang theo một vụ mà tôi nghĩ thủ phạm chạy trốn ở khu vực đó”. Osorio kể lại chi tiết vụ Mary Beal bị cắt rời thi thể, cái túi rác… và đưa ra giả thuyết rằng, chính nghi can Smajo Dzurlic của vụ này có thể cũng là tác giả của vụ án mạng tại Albania. Mọi người tỏ ra hoài nghi vì mọi thứ nghe có vẻ hoang đường, như kiểu một kẻ giết người hàng loạt thoắt ẩn thoắt hiện tầm cỡ thế giới. Dù sao, Ackley cũng gọi điện thoại cho Clarke, báo cho ông này những tình tiết liên quan.
Xác định được nơi sinh của Dzurlic trên bản đồ của của Montenegro (Nam Tư cũ) là thành phố Podgorica, không thuộc địa bàn của mình, Clarke nghĩ ngay đến việc tìm một nhân viên an ninh điạ phương hỗ trợ. Ông tra hồ sơ về các cảnh sát quốc tế đã từng tu nghiệp tại Học viện FBI ở Virginia và tìm thấy một thanh niên Montenegro trong danh sách tốt nghiệp, tên là Miodrag Stijovich, người mà các bạn cùng lớp thường gọi là Miki. Clarke tìm đến Podgorica gặp Miki, đưa cho anh ta bộ hồ sơ, trong đó có bức phác họa bằng máy tính chân dung Dzurlic sau 15 năm. Miki xem lướt qua và tuyên bố “Nếu y ở đây, chúng tôi sẽ lùng ra”. Mấy hôm sau, Miki thông báo có một người phù hợp với mô tả về Dzurlic. Y đang sống trong căn hộ trên lầu của một ngôi nhà có nhiều gia đình sống chung ở Podgorica. Có điều, người đàn ông này có tên là Smajlje Tulja chứ không phải Smajo Dzurlic. Từ hồ sơ xin cấp thẻ căn cước của Tulja, Miki tìm thấy dấu vân tay của gã và gửi nó vào cơ sở dữ liệu của FBI. Ngày 8-2-2007, điện thoại của Clarke đổ chuông lúc nửa đêm: Smajlje Tulja chính là Smajo Dzurlic, vậy là tên sát nhân lẩn trốn gần 20 năm đã lộ mặt.
Vào một đêm gió giá lạnh tháng 2-2007, hơn 20 cảnh sát Montenegro bao vây khu nhà của Dzurlic. Nhóm cảnh sát mặc thường phục leo qua cầu thang nhôm dẫn đến lối vào nhà. Một người trong nhóm gõ cửa. Không ai trả lời. Anh này gõ một lần nữa. Dzurlic đi ra cửa, mặc một chiếc áo len màu xanh lá cây và quần jean. Lập tức, y bị tra tay vào còng. Sau 1 giờ đồng hồ khám xét, Dzurlic bị đưa lên một chiếc xe tuần tra của cảnh sát. Và người ta bắt đầu lần lại hành trình tội ác của Dxurlic mà vụ sát hại Mary Beal và người phụ nữ ở Albanie chỉ là hai điểm đầu và cuối.
Hải Yến (theo New York Times)