Vụ vượt ngục ly kỳ nhất trong lịch sử Thái Lan
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 11:24, 13/04/2012
Vào thời gian McMillan bị giam giữ, nhà tù Klong Prem có đến 1.158 tù nhân là người nước ngoài mang quốc tịch của 56 quốc gia. Mang án tử hình vì buôn ma túy, McMillan đã vượt ngục thành công và vẫn sống công khai, yên ổn cho tới giờ, bất chấp lệnh dẫn độ và truy nã gắt gao của chính phủ Thái Lan.
Là con trong một gia đình trung lưu chuyển từ Anh tới sinh sống ở Australia, ở tuổi 12, McMillan là một đứa trẻ hứa hẹn khi trở thành người dẫn chương trình nhí của chương trình Peter Jr. của Kênh truyền hình Nine Network, Australia. Năm 1976, McMillan làm việc trong ngành điện ảnh và xuất bản của Tp. Melbourne. Tuy nhiên, sự nghiệp lương thiện của y ngắn chẳng tày gang, McMillan bắt đầu lao vào con đường phạm tội khi kết thân với Wynne Wilson, bố già giấu mặt trong giới xã hội đen của Tp. Melbourne, đóng vai trò con thoi vận chuyển ma túy loại cần sa và hêrôin từ các quốc gia Nam Á như Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ đến Anh qua ngả Australia.
Klong Prem là nhà tù được canh gác cẩn mật nhất Thái Lan.
Lần đầu vào khám của y là tháng 6-1979, McMillan bị bắt giữ tại sân bay Heathrow (London) với tang vật là 7kg cần sa và phải lãnh án 6 tháng tù giam. Sau khi ra tù, McMillan quay về lại Australia, thôi việc ở chỗ bố già Wilson để thiết lập riêng cho mình một đường dây buôn lậu ma túy. Ba năm sau, McMillan cùng một đàn em tên Michael Sullivan bị Cảnh sát bang Victoria bắt giữ về tội buôn lậu ma túy. Khám xét nơi ở của y, Cảnh sát thu giữ được 26kg cần sa, 11kg hêrôin chuẩn bị vận chuyển đến Anh, Bỉ và Thái Lan để tiêu thụ. Bị giam giữ tại nhà tù Pentridge của Tp. Melbourne, McMillan đã tìm cách vượt ngục bằng máy bay trực thăng nhưng không thành. Kết quả là y bị tuyên án 13 năm tù giam cho 11 tội danh khác nhau, trong đó nặng nhất là buôn lậu ma túy và âm mưu vượt ngục.
Sau khi được tha tù trước hạn vào năm 1993, McMillan đến Thủ đô Bangkok của Thái Lan để tiếp tục hoạt động buôn lậu ma túy. Ngày 11-7-1995, trong một đợt trấn áp tội phạm buôn lậu ma túy tại Khu người Hoa (Chinatown) của Thủ đô Bangkok, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ McMillan với tang vật là 21kg ma túy loại hêrôin cùng 32 giấy thông hành giả. Trong thời gian chờ đợi để được đưa ra Tòa án xét xử, McMillan bị giam giữ tại nhà tù trung tâm Klong Prem ở Thủ đô Bangkok. Tại đây, y đã thực hiện một cuộc vượt ngục “vô tiền khoáng hậu”.
McMillan bị giam giữ tại buồng giam số 030 nằm ở tầng thứ ba cùng với 18 tù nhân khác đều là người nước ngoài. Do có tiền lo lót cho giám thị nên McMillan được ưu tiên bố trí góc sinh hoạt riêng trong buồng giam là nơi mà hắn ta có cả radio, một bàn làm việc nhỏ. Tại góc riêng này có đầy đủ sách, báo, đồ dùng cá nhân, nhưng tất cả đều để che giấu những dụng cụ như lưỡi cưa, dao nhọn... mà McMillan kiếm được từ những buổi lao động hoặc nhờ người bên ngoài tìm mua. Y còn kiếm được cả ủng cao su, ô, cùng một đèn pin nhỏ. Tận dụng những buổi lao động ở bên ngoài, y gom được một số quần áo cũ của tù nhân, sau đó cắt nhỏ ra và bện lại thành dây dài. Thời tiết Thái Lan bắt đầu vào mùa mưa, McMillan bắt đầu cưa song sắt ngay tại góc riêng trong buồng giam của mình mà chẳng ai chú ý.
Sau khi đã cưa được một khoảng trống đủ để thoát ra ngoài, vào lúc 3 giờ 30 sáng ngày 12-8-1996, McMillan quyết định vượt ngục. Sau khi thoát ra ngoài buồng giam, y quấn dây vải vào những song sắt khác và leo xuống hàng rào điện. Do mang ủng cao su cách điện nên McMillan không bị giật. Y vượt tiếp qua hào nước, leo qua một tường rào và thoát ra đường Maha Chai tại Thủ đô Bangkok. Do trời mưa lớn và McMillan che ô nên không ai nghĩ rằng đó là tù vượt ngục. McMillan đi xe taxi đến khu người Hoa, kiếm một giấy thông hành giả và đến 6 giờ 20 sáng ngày 12-8-1996, y đã mua được vé máy bay bay đến Singapore. 7 giờ 30 sáng, McMillan được phát hiện đã đào thoát khỏi buồng giam và lệnh báo động được ban hành khắp nhà tù Klong Prem và sau đó là trên toàn lãnh thổ Thái Lan.
Tất cả những tù nhân bị giam giữ chung buồng giam với McMillan đều bị biệt giam để thẩm vấn suốt hai ngày nhưng mọi người đều lắc đầu không biết chuyện gì đã xảy ra. Vụ vượt ngục táo bạo này gây rúng động dư luận Thái Lan và khiến 4 sĩ quan giám thị cao cấp và 11 giám thị quản lý 11 buồng giam ở tầng thứ ba bị giáng chức, kỷ luật.
Sau khi vượt ngục thành công khỏi nhà tù Klong Prem đã đáp máy bay đến Singapore, sau đó bay tiếp sang Pakistan và được bảo trợ bởi một băng nhóm tội phạm vốn có quan hệ mua bán ma túy với hắn ta trước đó. Tại đây, y tiếp tục xây dựng các đường dây buôn lậu ma túy đến Australia, Bỉ và Anh. Năm 2002, McMillan bị bắt giữ tại sân bay Heathrow của Thủ đô London với 2,3kg ma túy loại hêrôin và phải lãnh án 5 năm tù giam. Cả Australia và Thái Lan đều ra lệnh truy nã đặc biệt McMillan nhưng y đã may mắn thoát cả hai yêu cầu dẫn độ này. Luật pháp Anh quốc không cho phép dẫn độ tù nhân đến các quốc gia có án tử hình, trong khi vi phạm lệnh quản chế của Australia lại không phải là lý do đủ năng để dẫn độ. Năm 2007, sau khi ra tù, McMillan chuyển đến sinh sống tại khu Kesington và xin làm công nhân tại một xưởng bao bì y tế tại Tp. Dorking để kiếm thu nhập sống qua ngày. Tuy nhiên, không ai biết liệu bao giờ y lại “ngựa quen đường cũ”?
Vào tháng 12-2008, Nhà xuất bản Mainstream của Anh đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Màn vượt ngục của McMillan” và ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, cuốn sách này đã bị cấm phát hành tại Thái Lan và Australia là hai quốc gia đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với McMillan.
Hải Yến (theo Daily Mail)