Mỹ: Cái chết của “mèo nhỏ” (kỳ 1)

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 11:24, 13/04/2012

Đã hơn 40 năm trôi qua, vụ án cô gái Catherine bị cưỡng hiếp và bị giết chết trước sự chứng kiến của 38 nhân chứng mà không một ai gọi Cảnh sát vẫn còn khiến nhiều người dân New York không khỏi thắc mắc. Còn đối với gia đình của Catherine, những chuyện đã xảy với cô con gái bé bỏng của họ chưa bao giờ là kết thúc.


Suốt những năm qua, họ luôn phải sống trong nỗi buồn và sự nhớ thương. “Nếu 38 nhân chứng không đứng im nhìn con tôi bị hành hạ thì nó đã không chết” - mẹ cô gái nói. Với 38 nhân chứng chứng kiến cảnh tượng đêm hôm đó, họ cũng không thể nào quên được đêm hôm đó và cũng không thể giải thích cho việc đã đứng im nhìn cô gái bị hãm hại.


Tiếng kêu cứu trong đêm tối


Catherine Genovese là con gái lớn trong một gia đình có năm chị em. Gia đình cô sống ở Brooklyn, New York trong những năm 1940 và 1950. Thời kỳ đó, công việc kinh doanh của bố cô bắt đầu gặt hái được một số thành công ban đầu. Năm 1954 bố mẹ cô quyết định chuyển tới định cư tại New Canaan ở Connecticut. Catherine xin bố mẹ ở lại căn nhà cũ.


Năm 1963, cô đã chuyển tới thành phố Queens và cùng một bạn gái thuê một căn hộ tại tầng 2 của toà nhà thương mại Austin, đây là một tòa nhà yên tĩnh gần khu dân cư. Sau đó Catherine xin được việc và trở thành nhân viên quản lý quầy bar của hộp đêm Eleventh. Yêu cầu công việc khiến Catherine thường phải đi làm về muộn. Công việc của Catherine bận tới nỗi thời gian cô dành để về thăm nhà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Catherine Genovese


Kết thúc một ngày làm việc hôm đó vào lúc 3 giờ 15 phút sáng, Catherine bắt đầu đi ra nhà xe từ quán bar. Khi tới nhà xe và mở cửa xe, cô thấy có một bóng người đi trước mặt cô rất nhanh. Catherine bắt đầu thấy lo lắng vì dường như có người đang theo dõi mình. Nhìn thấy người lạ, Catherine đã chạy rất nhanh về phía cửa nhà xe và kẻ lạ mặt cũng ngay lập tức bám theo. Cô đã chạy thật nhanh tới giao lộ giữa đường Austin và Lefferts vì cô biết ở đó có một cột điện thoại gọi Cảnh sát khẩn cấp. Nhưng Catherine đã không kịp làm điều đó vì kẻ lạ mặt đã nhanh chóng tóm lấy cô. Catherine đã nhanh trí hét thật to hòng tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng hắn ta đã liên tiếp đánh và đâm vào lưng cô.


Một người đàn ông sống trên tầng 7 đã nghe thấy tiếng kêu cứu của Catherine ở dưới gần nhà xe đã quát lớn: “Hãy buông cô bé ra”. Nghe thấy tiếng người, kẻ lạ mặt đã buông Catherine và bỏ chạy. Vết thương trên người Catherine đã chảy rất nhiều máu, nhưng cô vẫn cố gắng bò về khu nhà cô đang ở. Tưởng chừng đã thoát khỏi bàn tay của kẻ lạ mặt, nhưng kẻ lạ mặt đã quay lại tìm cô. Một lần nữa cô lại hét lên kêu cứu. Hai vợ chồng ông bà Koshkin ở gần khu vực đó đã nghe tiếng kêu cứu của cô. Nhưng đáng tiếc họ đã do dự và không báo cho Cảnh sát.

Kẻ lạ mặt đã tìm thấy Catherine khi cô đang ngã dựa vào tường vì vết thương ở lưng chảy quá nhiều máu. Hắn ta đã cởi lột quần áo và hãm hiếp rồi lấy đi chiếc ví với 49 đôla trong đó rồi giết Catherine. Chỉ trong vẻn vẹn có 32 phút, kẻ lạ mặt đã thực hiện hành vi đồi bại và giết hại Catherine. Sau nhiều do dự, vào lúc 3 giờ 50 phút, một người hàng xóm đã gọi cho Cảnh sát. Ba phút sau Cảnh sát đã tới hiện trường và họ đã ngay lập tức tìm thấy Catherine nằm dưới sảnh đã chết. Cô bị đâm tới 17 nhát vào lưng. Xung quanh đó là những mảnh quần áo và chiếc ví không mà tên trộm đã cắt và vứt ra.

Đường Austin ở Kew Gardens section of Queens, NYC


“Hội chứng Genovese”


Trong quá trình điều tra, Cảnh sát phát hiện thấy một tình tiết rất khó hiểu là có tới 38 người đã nghe cũng như chứng kiến kẻ lạ mặt hãm hiếp và giết hại cô gái trẻ mà không ai làm gì để giúp cô. Khi được hỏi về lý do, mỗi nhân chứng lại có một lý do khác nhau biện hộ cho hành vi của mình. Nếu như một người trong số họ gọi Cảnh sát vào lúc sự việc xảy ra thì chắc Catherine đã không chết thảm như vậy. Chính vì con số nhân chứng lên tới 38 người như vậy nên báo chí lúc đó đã có rất nhiều bài báo đưa ra câu hỏi: “Liệu tất cả 38 nhân chứng hôm đó đều là những người có trái tim băng giá?”. Catherine lúc đó trở nên nổi tiếng và được nhiều người thương xót đặt cho cái cái tên “mèo nhỏ” Genovese.


Bác sĩ tâm lý học Ralph S. Banay đã đưa ra một cách lý giải cho hành động của 38 nhân chứng này rằng: “Bộ não chúng ta đôi khi bị treo tạm thời khi chịu những tác động mạnh và bất ngờ. 38 nhân chứng đã chứng kiến vụ này cũng như vậy. Họ đột nhiên nhìn thấy cảnh tượng ghê rợn trước mắt và họ trở lên lúng túng, không biết sẽ làm gì ngoài việc đứng đó nhìn. Cho tới khi họ định thần thì đã quá muộn”. Lời giải thích này có vẻ hợp lý và khớp với những lời khai của nhân chứng. Đa số các nhân chứng đều nói rằng họ tưởng vụ việc đó là cuộc cãi vã giữa một đôi tình nhân chứ không nghĩ là vụ giết người thê thảm như vậy. Sau này, người ta đặt tên cho hiện tượng này là “Hội chứng Genovese”. Hội chứng này được giải thích rằng, càng nhiều người đứng chứng kiến một sự việc thì tinh thần trách nhiệm cá nhân của họ càng giảm. Điều này dẫn tới sự đùn đẩy trách nhiệm của những nhân chứng quan sát sự việc.


(Còn nữa)

Hà Mai (Theo TruTV)

congly.com.vn