Mỹ: Con quỷ dâm dục núp trong “áo choàng trắng”

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 11:23, 13/04/2012

Cái tên George Reardon từng là nỗi ám ảnh của hàng nghìn bệnh nhân nhí tại thành phố Hartford, Hoa Kỳ. Đã có không dưới 3 vụ kiện dân sự chống lại viên bác sĩ này, nhưng tất cả đều phải xếp xó vì thiếu chứng cớ.

Mãi tới khi kho tư liệu khổng lồ của Reardon tình cờ bị phát hiện, người ta mới bàng hoàng bởi quy mô và mức độ của vụ việc - một trong những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

George Reardon nguyên là Trưởng khoa Nội tiết của Bệnh viện St. Francis (gọi tắt là Bệnh viện) ở Tp. Hartford, bang Connecticut, Mỹ. Y vốn được coi là một vị bác sĩ đáng kính, được nhiều người tôn trọng, nên việc vị bác sỹ này hiện nguyên hình là một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em thực sự khiến nhiều đồng nghiệp và dân cư trong vùng bị sốc.

Khi tiến hành cải tạo lại ngôi nhà, chủ nhân mới của căn biệt thự của Reardon tại 155 Griswold Drive, West Hartford vô tình phá sập một bức tường và phát hiện một chiếc hộp kim loại lớn được giấu rất kỹ, trong đó chứa hơn 50.000 hình ảnh và 130 cuộn phim có tính chất khiêu dâm mà nhân vật chính không ai khác là những đứa trẻ được Reardon chữa bệnh và “nghiên cứu”. Trong số các bộ ảnh chứng cứ, có những bức ảnh chụp các đứa trẻ là anh chị em ruột trong trạng thái khoả thân, số khác là những bức ảnh có sự bài trí, bố cục nhằm tạo dựng hoạt cảnh kích dục. Ước tính, số trẻ em bị Reardon lạm dụng có thể lên tới hàng nghìn.

George Reardon


Do kẻ phạm tội - bác sĩ Reardon đã chết sau một cơn truỵ tim vào năm 1998, nên các nạn nhân bị lạm dụng đã đâm đơn kiện Bệnh viện St.Francis ra Tòa. Nguyên đơn công bố chứng cứ cho thấy, Reardon đã nhân danh “các nghiên cứu về sự tăng trưởng” của thiếu nhi để chụp ảnh và lạm dụng tình dục hàng trăm trẻ em trai và gái ngay trong phòng khám bệnh của Bệnh viện suốt ba thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ trước.

Các luật sư của bên nguyên lập luận bệnh viện phải biết cái gọi là nghiên cứu mà Reardon được giao tiến hành là hết sức tồi tệ, vớ vẩn, chỉ là cái cớ để biện hộ cho ông ta trước cáo buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Còn bệnh viện khẳng định họ không biết, cũng không có lý do để biết về hành vi bất chính của Reardon. Lý lẽ được các luật sư biện hộ cho bị đơn đưa ra là các bác sĩ nội tiết - những người chuyên nghiên cứu hoóc môn và sự tác động của chúng đến sự tăng trưởng được phép chụp ảnh khoả thân trẻ em, bao gồm cả hình ảnh cơ quan sinh dục với các mục đích hợp pháp. Họ lý giải rằng bản thân các bức ảnh “không cho thấy sự lạm dụng”. Tuy nhiên, luật sư của phía nguyên đơn cho rằng các bức ảnh phản ánh một cách chính xác sự lạm dụng tình dục.


Tất cả có 86 nguyên đơn, trong đó John Doe - một sĩ quan cứu hoả 40 tuổi là nguyên đơn duy nhất trong vụ kiện đầu tiên (năm 1987, khi đó chứng cứ trên vẫn chưa được tìm thấy khiến vụ kiện phải “chìm xuồng”). Doe cho rằng Bệnh viện phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân do bất cẩn trong việc tuyển dụng, quản lý và giám sát đối với Reardon. Kể từ khi vụ kiện bắt đầu năm 2008, các luật sư của các nguyên đơn độc lập đã được tham gia vào các cuộc thương lượng với bệnh viện. Tuy nhiên, mọi chuyện bất thành. Điều duy nhất mà các bên thoả thuận được là thu hẹp vụ kiện đầu tiên thành một nguyên đơn.

Các luật sư của nguyên đơn cho rằng, theo Đạo luật Nuremberg, Tuyên bố Helsinki và chương trình bảo vệ đối tượng con người được đem làm thí nghiệm của Uỷ ban Quốc gia Mỹ, bệnh viện phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Một chuyên gia được phía nguyên đơn mời đến là bác sĩ Maria New chuyên về nội tiết nhi đồng cho rằng: Theo quy định chuyên môn, phải có một người trong phòng khám để giám sát bệnh nhân lẫn công việc của bác sĩ. Luật sư của nguyên đơn bày tỏ sự ngạc nhiên về việc Reardon chụp hàng ngàn bức ảnh trẻ em trong các nghiên cứu và tự mình rửa ảnh tại nhà riêng. Trong khi đó, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Bệnh viện St. Francis có ba nhân viên chụp ảnh chuyên nghiệp và một chuyên gia phòng tối. Không thể có chuyện là Trưởng khoa Reardon lại rảnh đến mức tự đi mua thiết bị nhiếp ảnh, tự chụp ảnh, rửa ảnh phục vụ cho nghiên cứu khoa học trong khi Bệnh viện có kỹ thuật viên chụp ảnh chuyên nghiệp.


Bệnh viện đã cử vị bác sĩ 80 tuổi tên Thomas Godar chịu chất vấn trước Toà về hành vi của Reardon. Đồng thời, kêu gọi một số đồng nghiệp cũ của Reardon, toàn là những chuyên gia có uy tín đến toà để thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng bác sĩ Reardon đã đánh lừa mọi người và rằng Bệnh viện không thể nào biết được ông ta đã lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, những lập luận này đã không thể đứng vững. Sau một phiên tòa kéo dài vì những tranh cái mang tính chuyên môn y tế, hội đồng xét xử chấp thuận cho Bệnh viện ký với các nguyên đơn một thoả thuận đền bù số tiền 17 triệu USD. Doe sẽ nhận được hơn 1 triệu USD và 31 nguyên đơn còn lại chia sẻ số còn lại. Với các nguyên đơn còn lại, vụ kiện vẫn sẽ còn tiếp diễn.


Hải Yến (theo AP)

congly.com.vn