Giá vàng trầm lắng trong phiên đầu tuần
Kinh tế - Ngày đăng : 11:09, 08/10/2018
Tuần qua, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 1.184 – 1.208 USD/ ounce và diễn biến theo xu hướng tăng dần. Chốt phiên cuối tuần, giá vàng đóng cửa ở mức 1.202USD/ounce. Tính chung trong tuần giá vàng đã tăng khoảng hơn 2%.
Tại thị trường trong nước, tuần qua, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ từ 36,35- 36,45 triệu đồng/lượng đến 36,46- 36,56 triệu đồng/lượng, tăng/giảm khoảng 110.000đ/lượng.
Theo ghi nhận của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, lượng khách mua, bán vàng vẫn đan xen nhau, tuy nhiên, lượng vàng bán ra vẫn chiếm áp đảo.
56% chuyên gia dự báo giá vàng tuần này sẽ tăng
Mở cửa trở lại trong phiên đầu tuần, giá vàng miếng trong nước hầu như không đổi so với giá đóng cửa tuần trước. Cụ thể giá vàng miếng SJC tại DOJI lúc 9h sáng niêm yết tại 36,40 - 36,50 triệu đồng/lượng. Còn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng ở ngưỡng 36,38 - 36,54 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá này giảm nhẹ 20 nghìn đồng mỗi lượng so với cuối phiên tuần trước.
Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, dự kiến tăng 0,2% so với tháng 8 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, quốc gia này còn công bố chỉ số giá sản xuất (PPI), dự kiến tăng 0,2%, so với mức -0,1% của kỳ trước. Sự thay đổi của các chỉ số này cũng tác động khá mạnh đến USD.
Thị trường cũng sẽ nghe ngóng phân tích tin tức từ phát biểu của một số quan chức Fed để tìm hướng đi cho giá vàng. Chủ tịch Tập đoàn Phoenix Futures and Options LLC, Kevin Grady cho rằng nếu giá vàng ở vùng giá khoảng 1.220USD/ounce, sẽ kích hoạt các lệnh bán mạnh mẽ.
Theo kết quả khảo sát của Kitco trong số 16 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 9 người (56%) dự báo giá vàng tuần này sẽ tăng; 2 người (13%) dự báo giá vàng sẽ giảm; 5 người (31%) dự báo giá vàng đi ngang.
Trong số 593 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 302 người (51%) nhận định giá vàng tuần này sẽ tăng; 196 người (33%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 95 người (16%) thể hiện quan điểm trung lập.