Nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em đã được điều tra, xét xử nghiêm minh
Chính trị - Ngày đăng : 07:42, 23/04/2019
Xử lý triệt để những vụ án xâm hại tình dục
Ngày 11/4/2017, Ủy ban Tư pháp đã có Kiến nghị số 561/KN-UBTP về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Sau hai năm triển khai thực hiện, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị này.
Theo Báo cáo của các cơ quan tố tụng, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện có xu hướng giảm dần qua các năm. Bộ Công an cũng cho biết, năm 2017 phát hiện 1.592 vụ, giảm 49 vụ (3%). Năm 2018 phát hiện 1.547 vụ, giảm 45 vụ (2,8%). Theo Báo cáo của TANDTC, từ ngày 1/10/2017 - 28/2/2019, Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.894 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục. Về cơ bản, quá trình điều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em được tiến hành đúng pháp luật, bảo đảm đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, có một số vụ án xử lý chưa thật sự chặt chẽ, khách quan thì ngay khi có ý kiến phản ứng của dư luận đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, khắc phục.
Về tình hình thực hiện các kiến nghị về nâng cao hiệu qủa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại diện Bộ Công an cho biết, đến nay đã thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp. Bộ đã ban hành và triển khai đến Công an các địa phương trên toàn quốc hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi; triển khai mô hình điểm về phòng ngừa và hỗ trợ giúp người chưa thành niên dựa vào cộng đồng tại 15 địa phương, mô hình phòng điều tra thân thiện với trẻ em tại 11 địa phương.
Quang cảnh phiên họp
Đối với VKSNDTC, cơ quan này đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; chỉ đạo thống nhất toàn ngành ưu tiên giải quyết nghiêm minh, nhanh chóng các vụ liên quan đến xâm hại trẻ em; phối hợp với cơ quan điều tra các cấp để tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, xác lập chuyên án, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để thu thập chứng cứ.
Đại diện TANDTC cho biết, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng ở Trung ương trong việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục; ban hành các Thông tư quy định về hệ thống Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Thông tư về phòng xử án, trong đó có quy định về mô hình phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Tuy nhiên, hiện nay TANDTC vẫn chưa ban hành được Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm hại tình dục trẻ em, nhất là tội Dâm ô đối với trẻ em.
Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan thời gian qua, Ủy ban Tư pháp cho rằng, các cơ quan Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo…đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và đầy đủ các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bấp cập trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung. Đó là còn thiếu các văn bản hưỡng dẫn một số quy định trong các luật để bảo đảm việc áp dụng, xử lý thống nhất và chính xác; có khoảng trống về pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm; chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em; còn hạn chế trong nhận thức pháp luật và trong nghiệp vụ; một số hạn chế chế trong nhận thức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng lo ngại về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay, không chỉ vấn đề người lớn xâm hại trẻ em mà trên thực tế đã và đang diễn ra tình trạng trẻ em trong độ tuổi 14,16 tuổi xâm hại những trẻ em ít tuổi hơn mình. Vì vậy, việc phối hợp của các Bộ, ngành trong công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa. Một số vụ án xâm hại trẻ em giải quyết không đúng pháp luật, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật, có cả nguyên nhân do chưa quán triệt đầy đủ quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015; một số vụ án bị kéo dài, gây dư luận không tốt. Do đó, đề nghị các cơ quan cần đánh giá đúng nguyên nhân của những hạn chế trong việc giải quyết một số vụ án thời gian qua, để từ đó có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng giải quyết án.
Các đại biểu cũng đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao phòng ngừa tội phạm này. Ngoài ra, TANDTC cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi. Trước việc thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, các ý kiến đều đề nghị VKSNDTC chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị: Chính phủ và các Bộ, ngành cần khẩn trương khắc phục một số khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thực hiện một cách tốt nhất chức năng, thẩm quyền của mình trong việc nâng cao hiệu qủa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.