Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 26 dự án luật trong năm 2019

Chính trị - Ngày đăng : 18:54, 10/04/2019

Sáng 10/4, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Cho ý kiến, thông qua 26 dự án luật trong 2019

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để đảm bảo tính khả thi sẽ ưu tiên đề xuất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và bổ sung Chương trình năm 2019 các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 26 dự án luật trong năm 2019

Toàn cảnh phiên họp

Việc xây dựng dự kiến chương trình cũng cần bảo đảm tính khả thi, tránh dồn quá nhiều dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, nên chỉ bổ sung những dự án nào thật sự cấp bách, còn lại sẽ đưa vào Chương trình năm 2020. Và cũng sẽ tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm định, thẩm tra.

Trên cơ sở nguyên tắc này, bên cạnh 3 dự án luật được UBTVQH quyết định bổ sung vào chương trình năm 2019 (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư), Chính phủ đề nghị bỏ hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019. Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Chính phủ đề nghị bổ sung 7 dự án, dự thảo nghị quyết vào Chương trình năm 2019 để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp); thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ); cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng); tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội (dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)); khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng (dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)).

Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 9 dự án so với ban đầu.

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình 14 dự án luật. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 9, sẽ trình QH xem xét, thông qua với 8 dự án luật, cho ý kiến với 5 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 10 sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và trình QH cho ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 26 dự án luật trong năm 2019

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Đề nghị rút Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi chương trình

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, dù đã có những đổi mới nhưng sự chuyển biến còn chậm, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhìn lại 3 năm qua cho thấy, tính dự báo của Chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính “gối đầu” thấp, thiếu tầm nhìn cho năm tiếp theo. Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình còn nhiều. Hoạt động của Ban soạn thảo có nơi còn nặng hình thức.

Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, không hiệu quả; việc tham gia ý kiến của không ít cơ quan, tổ chức còn sơ sài, mang tính chiếu lệ. Nghị quyết về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ chưa thể hiện rõ những chính sách của dự án được Chính phủ thông qua. Cơ quan thẩm tra trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết, còn nể nang, xuôi chiều với cơ quan soạn thảo.

Về  6 dự án luật được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nhưng Ủy ban Pháp luật đề nghị, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đề nghị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười để vừa có thời gian chuẩn bị bảo đảm chất lượng vừa sớm triển khai quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Ủy ban Pháp luật đề nghị, sau khi điều chỉnh Chương trình năm 2019, tại Kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; cho ý kiến 7 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 10 sẽ trình Quốc hội thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến với 1 dự án luật.

Chính phủ cũng đề  nghị xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, nhưng chưa đề nghị thời gian trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu, xem xét, thông qua cụ thể. Nhưng qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, đang có nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, luật có một số quy định bất cập liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở, đất tôn giáo…

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, trong đó chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ “chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đất đai có sự ảnh hưởng tới toàn dân, thống nhất với việc rút dự án Luật ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng Chính phủ phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai trong thời gian qua cũng như tác động của việc sửa, ban hành những chính sách mới trong luật này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, UBTVQH đề nghị, Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng, toàn diện, cũng như thận trọng, khách quan, chặt chẽ, có dự báo hết các yếu tố ảnh hưởng, qua đó cố gắng đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2020.

Sau khi điều chỉnh, tính cả sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Nhà ở, thì Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ có 27 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 1 dự thảo Nghị quyết. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 có 20 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết.

Nguyên Bình