“Giá ơi, chờ lương với!”
Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012
Tại hội thảo này, thông tin được công bố là mức lương tối thiểu chung của công chức hiện chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011, là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Ngay cả khi được nâng lên mức 1.050.000 đồng/tháng (bắt đầu từ 1-5-2012) thì lương tối thiểu chung vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất.
Điều này cho thấy, quan hệ tiền lương đối với công chức còn bất cập. Nhiều người than thở, sau khi tốt nghiệp đại học, vào làm tại cơ quan nhà nước mà lương còn thấp hơn công nhân. Tiền lương quá thấp dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ và chảy máu chất xám.
Ảnh minh họa
Tại hội thảo, các phương án cải cách tiền lương trong giai đoạn 2013-2020 được đưa ra là: mức lương tối thiểu 1.680.000 đồng/tháng; 2.000.000 đồng/tháng, và 3.150.000 đồng/tháng. Đối với viên chức sự nghiệp, có hai phương án là mức lương tối thiểu được áp dụng như lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp (4 vùng) và áp dụng như lương tối thiểu của cán bộ, công chức. Đã có nhiều ý kiến đồng tình với phương án điều chỉnh lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội lên 1.680.000 đồng/tháng.
Mặc dù mới chỉ là phương án được bàn thảo nhưng thông tin này cũng đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Nhiều ý kiến đồng tình với việc điều chỉnh tiền lương đối với công chức, tuy nhiên cũng không quá vui mừng. Một số ý kiến nghi ngại khi các cuộc họp bàn diễn ra quá nhiều nhưng việc điều chỉnh lương lại quá chậm chạp. Có ý kiến so sánh: Tăng giá điện thì hôm trước thông báo, hôm sau đã tăng, còn tăng lương thì bàn mãi, rồi phải chờ cả năm trời, trong khi giá cả ngoài chợ tăng hàng ngày, đâu có chờ lương tăng… Luẩn quẩn vẫn là điệp khúc “Giá ơi, chờ lương với!” mà thôi.
Ý kiến khác thì cho rằng, thay vì tăng lương tối thiểu thì nên tăng hệ số lương cho công chức để thu nhập thực tế của công chức tăng. Hơn nữa, để tránh bội chi ngân sách khi tăng lương, cần rà soát, tinh giản lực lượng cán bộ công chức, chỉ giữ lại những người thực sự có năng lực và trả lương xứng đáng cho họ. Cũng có ý kiến tỏ ra “thận trọng” khi cho rằng, không nên làm “rùm beng” chuyện tăng lương khi đó chỉ là phương án cho đến tận năm… 2020. Bởi khi thông tin bị “lộ” ra, chỉ khổ thêm cho công chức khi ngày mai ra chợ, hàng hóa lại… tăng giá.
Trung Nguyễn