TPBank: Thành công không đến với người vội vàng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:35, 14/01/2020
Nỗi lo lợi nhuận trong mỗi “cửa” tín dụng
Phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng 2020 hôm 2/1 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tín dụng năm 2019 đạt tăng trưởng xấp xỉ 14% - đúng kế hoạch đề ra.
Mặc dù nhận định tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam bắt đầu chững lại từ năm ngoái nhưng ông Sebastian Eckardt, Nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, vẫn chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. “Việt Nam nên cân đối tốc độ tăng trưởng tín dụng trên GDP. Tăng trưởng tín dụng vẫn cần giảm hơn nữa so với trước”, ông Sebastian Eckardt nói.
WB cũng cảnh báo về việc nhận thấy một số quan ngại qua những khảo sát trên toàn cầu khi tín dụng tăng trưởng mạnh sẽ dẫn đến những hoạt động đầu cơ và rủi ro cao. Điều này đồng nghĩa với việc đưa đến những vấn đề về chất lượng tài sản và gây ra bất ổn trong tương lai. “Bên cạnh nỗ lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng, NHNN đang có những biện pháp kiểm soát dòng vốn đổ vào bất động sản và cả vào những ngành nhạy cảm”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.
Thực tế, NHNN liên tục phát đi thông điệp “siết” tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản qua động thái điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng cho vay bất động sản, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tiếp tục siết mạnh cho vay bất động sản khi chính thức đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.
“Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2019 tương đương với năm 2018 là 14%, hạn mức tín dụng được NHNN phân bổ sau khi tiến hành đánh giá chặt chẽ “sức khỏe” của các ngân hàng. Bên cạnh đó, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt chủ yếu đến từ tín dụng và cho vay bất động sản là “miếng bánh ngon” của các nhà băng nên với việc NHNN siết chặt nguồn tín dụng vào lĩnh vực này, để có thể gia tăng lợi nhuận, một trong những giải pháp là trông chờ vào nguồn thu từ dịch vụ”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.
Đó là chưa tính tới cuối năm 2020, tín dụng khó có thể tăng cao trước áp lực thực hiện Basel 2 buộc các ngân hàng phải chuyển hướng trong hoạt động, không thể đẩy mạnh tín dụng và quay sang phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu. Quả vậy, theo Công ty cổ phần chứng khoán rồng Việt, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng được dự báo tăng từ 8,6% (ước tính năm 2018) lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2022.
Tiếp tục tích luỹ lợi nhuận từ chuyển đổi số
Được biết, 2 trong số những chỉ tiêu quan trọng của một NHTM cổ phần năm 2019 được đặt ra là tăng năng suất lao động từ 30-40%, cắt giảm quy trình từ 18 bước xuống còn 5 bước đều đã đạt được. Nếu áp dụng số hóa, thay đổi luật chơi, năng suất lao động có thể cải thiện tới 100% chứ không chỉ 30-40%, quy trình thậm chí có thể rút ngắn từ 18 bước còn một bước, qua đó tăng doanh thu, giảm chi phí mà vẫn có thể kiểm soát rủi ro.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho rằng: “Công thức cơ bản của lợi nhuận là đến từ tăng doanh thu và giảm chi phí. Chuyển đổi số chính là con đường để doanh nghiệp giảm chi phí và tạo cơ hội tăng doanh thu trong tương lai”.
Lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số không còn là việc phải bàn thảo và thực tế đã chứng minh lựa chọn hướng đi của “Ngân hàng tím” đã đúng. Có thể lấy ví dụ như nhờ việc là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng ePIN mà mỗi năm TPBank tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng tiền in ấn và gửi thư bảo đảm, hay nhờ ứng dụng công nghệ mà nhiều giao dịch được rút ngắn chỉ bằng 1/3-1/4 thời gian so với quy trình truyền thống.
Khi các ngân hàng trên thị trường phát triển các tính năng mới trên website, ứng dụng điện thoại, ATM thì năm 2017, TPBank đã ra mắt LiveBank. Sản phẩm ngân hàng tự động 24/7 có thể thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch như một chi nhánh truyền thống. Đến nay trên 2/3 giao dịch của ngân hàng thực hiện tại LiveBank, giúp tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự, quản lý và tối đa thời gian, tiền bạc cho khách hàng.
Thống kê của Ngân hàng cho biết, sau 3 năm thực hiện, TPBank đã có 200 điểm LiveBank trên toàn quốc, khoảng 2 triệu lượt giao dịch thành công, tổng số tiền giao dịch đạt hàng nghìn tỷ đồng. Khoảng 60% giao dịch của LiveBank diễn ra ngoài giờ hành chính và luôn nhận được tư vấn từ nhân viên từ xa.
Hay như siêu phẩm ngân hàng số triệu đô - ứng dụng eBank X vừa chính thức đi vào hoạt động. Phiên bản nâng cấp hơn so với phiên bản eBank trước đó được TPBank cùng nhà phát triển nền tảng Digital Banking số 1 thế giới triển khai với tham vọng giúp khách hàng tận hưởng cuộc sống số.
Bên cạnh những trải nghiệm mượt mà, eBank X mang đến cho khách hàng của mình các tiện ích tối ưu vượt trội như giảm thiểu các giấy tờ hành chính, tra cứu và quản lý tài khoản thông minh, dễ dàng, trực quan. Các tính năng thanh toán tiện lợi, chính xác và nhanh chóng và nạp tiền dễ dàng từ thẻ ATM của các ngân hàng khác ngay trên app eBank X.
Bên cạnh đó, khách hàng của TPBank có thể sử dụng chính Số CIF và mật khẩu eBank của khách hàng để đăng nhập trên eBank X; có thể xem thông tin tập trung và chi tiết của sổ tiết kiệm và thẻ tín dụng, bên cạnh các phần thông tin khác như tài khoản, lệnh chuyển tiền và khoản vay, đồng thời, quản lý chi tiêu bao quát về lịch sử chi tiêu của chính mình.
“eBank X đáp ứng cùng lúc hàng chục triệu giao dịch với thời gian nhanh nhất giúp gia tăng lượng khách hàng của TPBank và đồng thời với đó là tăng lượt giao dịch với eBank X so với eBank trước đây. Ban lãnh đạo chúng tôi sẵn sàng đợi eBank X “đơm hoa kết trái”, một lãnh đạo cao cấp TPBank nói.