Năm 2019, tín dụng tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 16:54, 31/12/2019

NHNN thông tin tính đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2019, định hướng nhiệm vụ năm 2020, NHNN cho biết từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11, giảm từ 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5% trần lãi suất cho vay và giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.

Đến nay, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.

Các tổ chức có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thông qua nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2019.

Năm 2019, tín dụng tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018

Tính đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018. Ảnh minh họa

Về chính sách tỷ giá, dù chịu nhiều áp lực từ biến động thị trường quốc tế song Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ bám sát diễn biến thị trường nhờ đó tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối nhà nước. Cụ thể tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, chiều 30/12, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết năm 2019 đã mua vào 20 tỷ USD, đưa xấp xỉ 500 ngàn tỷ vào nền kinh tế nhưng bảo đảm sự điều tiết, không gây tác động đến lạm phát.

Về điều hành tín dụng, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.

Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Thông tin về xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Riêng trong giai đoạn từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Như vậy, trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Mạnh Nguyễn