TS Cấn Văn Lực: Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là động thái phù hợp

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:16, 18/09/2019

NHNN mới đây đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất bao gồm lãi suất tái cấp vốn; lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN...

Từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất. Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Đây cũng là lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN kể từ tháng 10/2017.

TS Cấn Văn Lực: Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là động thái phù hợp

Ảnh minh họa

Theo NHNN, gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm lãi suất điều hành. Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu (bình quân 8 tháng 2019, lạm phát CPI tăng 2,57%, lạm phát cơ bản tăng 1,9%), thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. NHNN thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được bảo đảm, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước.

Do đó, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Cổng thông tin của NHNN đã dẫn nhận định của TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia về quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN.

TS Cấn Văn Lực đánh giá quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN ) là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất, FED nhiều khả năng sẽ giảm tiếp lãi suất thời gian tới.

TS.Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 3 lý do chính: Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất. Trong đó, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất thời gian tới. Nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã giảm lãi suất.

Thứ hai, ở thời hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.

Thứ ba, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.

Theo các chuyên gia, trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Dù vậy, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Lan Trần