Phó Thủ tưởng Trương Hòa Bình: Đà Nẵng cần xác định công tác thu hồi tài sản thất thoát là nhiệm vụ trọng tâm
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 30/03/2019
Ngày 29/3, tại TP Đà Nẵng, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng đoàn kiểm tra, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về dự thảo kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 1.
Nội dung cụ thể, công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, thời gian từ 1/1/2013 đến 30/9/2018 và các bản án, quyết định của Tòa án trước ngày 01/1/2013 nhưng chưa được thi hành xong.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu kết luận
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra số 1, Cơ quan điều tra hai cấp của Đà Nẵng đã chủ động, tích cực đấu tranh, phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình thu hồi tài sản; kịp thời xác minh, áp dụng các biện pháp thu hồi. 100% các vụ án đều được áp dụng các biện pháp thu hồi khi phát hiện bị can có tài sản. Cụ thể, đã thụ lý, điều tra 9 vụ tham nhũng, 19 vụ kinh tế, tịch thu 3,291 tỷ đồng, 11.632,72 gam vàng, 13.950 bao thuốc lá…, thu giữ 2,976 tỷ đồng, tạm giữ 1,38 tỷ đồng, kê biên 02 nhà và đất.
Trong quá trình xét xử, tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 23 vụ (7 vụ/21 bị cáo về nhóm tham nhũng, 16 vụ/55 bị cáo về nhóm kinh tế), tổng số tiền đã phát hiện, áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa là 69,267 tỷ đồng, 12.299,21 gam vàng, 2 lô đất và tài sản gắn liền với đất, 700 đô la Mỹ. Số vụ đã xử hủy bỏ biện pháp tạm giữ, kê biên để trả lại chủ sở hữu 2 vụ/62,8595 tỷ đồng, 666,49 gam vàng, 700 đô la Mỹ, 01 điện thoại di động.
Đặc biệt, cơ quan thi hành án dân sự đã chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan liên quan để thi hành triệt để phần tài sản của bản án, quyết định của tòa án, tỷ lệ số vụ và số tiền đã thi hành đạt cao (80% số vụ, 82% số tiền, nếu trừ vụ Phạm Công Danh). Tổng số việc/số tiền cơ quan thi hành án dân sự hai cấp thụ lý, thi hành 58 việc/3.966 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được như công tác tham mưu, giúp việc của Thành ủy ngày một tăng cường, Đoàn kiểm tra số 1 cũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát trực tiếp đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn ít, chưa thường xuyên.
Đối với một số vụ việc thi hành án còn nhiều khó khăn, vướng mắc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố có việc còn lúng túng, chưa đề xuất được giải pháp xử lý cụ thể, trong đó có những việc thuộc thẩm quyền của thành phố. Vì vậy, có nơi chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với nội dung này nhưng chưa được kiểm tra, chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh quy định pháp luật về thu hồi tài sản còn nhiều bất cập, về kê khai/kiểm soát tài sản hiện hành còn chưa phù hợp và hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, thường tìm cách tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ nên việc thi hành án bị kéo dài.
Đoàn kiểm tra số 1 đề nghị cần phải có các giải pháp quyết liệt, cụ thể, hiệu quả trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, đơn cử vụ án Phạm Công Danh đang được dư luận xã hội quan tâm. Thực tế, số tiền phải thu hồi trong vụ án Phạm Công Danh ở Đà Nẵng rất lớn (gần 4.000 tỷ đồng), trong khi tài sản phải xử lý để thi hành án là dự án khu phức hợp dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý chưa được giải quyết.
Đoàn kiểm tra kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cần tiếp tục xác định công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những thước đo quan trọng hiệu quả công tác đấu tranh PCTN của mỗi cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị. Tăng cường chỉ đạo Đảng ủy Công an thành phố, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong hoạt động của mình. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vững vàng về chính trị, kỷ cương, liêm chính, mạnh về chuyên môn nghiệp vụ và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để Ban Nội chính thành ủy Đà Nẵng làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ trong phát hiện, xử lý các vụ án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thực hiện đúng thời hạn chế độ báo cáo lên Trung ương, xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo định kỳ quá trình thực hiện, theo dõi, đôn đốc, giải quyết triệt để các kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Chủ động có kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị liên quan, rà soát các vụ việc nổi cộm áp dụng các biện pháp thu hồi xử lý tài sản có liên quan căn cứ theo quyết định của tòa án, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác PCTN trong thời giai đoạn hiện nay. Tiếp tục nghiên cứu có những đề xuất lên Ban Nội chính Trung ương (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) các nội dung về công tác cải cách tư pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự…, đảm bảo xử lý nhanh, đúng bản chất các tài sản do phạm tội mà có.