Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm chính thức Maroc

Chính trị - Ngày đăng : 09:56, 28/03/2019

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Thủ đô Rabat và có những hoạt động đầu tiên tại Vương quốc Maroc.

Chiều 27/3, giờ địa phương, tối cùng ngày giờ Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã đến Thủ đô Rabat, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki.

Cùng đón Chủ tịch Quốc hội tại sân bay, về phía Maroc có: Đại sứ Maroc tại Việt Nam; Lãnh đạo Vụ Đối ngoại và Lễ tân, Ban Thư ký Quốc hội Marco.

Về phía Việt Nam có: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Maroc Trần Quốc Thủy; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Maroc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm chính thức Maroc

Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay 

Tại sân bay, hai Chủ tịch đã có cuộc trao đổi ngắn, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngay trước chuyến thăm, báo chí Việt Nam đã có nhiều bài viết đánh giá về những bước phát triển trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Maroc nói chung, giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Maroc nói riêng.

Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017; tin tưởng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Maroc nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Maroc nói riêng.

Đây là chuyến thăm chính thức Maroc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội nước ta trong 14 năm trở lại đây. Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Maroc đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Năm 2017, Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki đã thăm chính thức Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Hạ viện Maroc đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác liên nghị viện. Đây là cơ sở pháp lý để tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước và cũng là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về hợp tác liên nghị viện với một quốc gia châu Phi.

Chuyến thăm chính thức Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc, đồng thời là dấu mốc mới trong việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm chính thức Maroc

Kiều bào Việt Nam tại Maroc đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chiều tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Maroc.

Đại sứ Việt Nam tại Maroc Trần Quốc Thủy đã báo cáo về tình hình công tác Đại sứ quán.

Cùng với thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia sở tại, Đại sứ quán đã tích cực vận động thành lập Hội hữu nghị Maroc-Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao nhân dân hai nước; giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tại Hội chợ quốc tế nông nghiệp; cũng như kết nối các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Đại sứ quán giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua các sự kiện văn hóa, võ cổ truyền, lễ hội ẩm thực; giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác bảo hộ công dân...

Trong không khí đầm ấm và thân tình, đại diện kiều bào sinh sống nhiều năm ở Maroc bày tỏ niềm tự hào Quốc hội Việt Nam có nữ Chủ tịch đầu tiên. Mặc dù sống rất xa quê hương nhưng bà con luôn quan tâm và vui mừng trước những đổi thay của đất nước, mong muốn Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đại diện sinh viên Việt Nam đang học tập tại Maroc bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện về chính sách để thu hút sinh viên Việt Nam về nước cống hiến, có những đóng góp xây dựng, phát triển quê hương...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng bà con kiều bào tại Maroc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới bà con và qua bà con tới toàn thể kiều bào và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đặt chân đến Vương quốc Maroc đúng vào ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được 58 năm (27/3/1961-27/3/2019). Chuyến thăm thực hiện sau 14 năm kể từ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Maroc vào năm 2005.

Chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Maroc cũng như sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị của nước chủ nhà ngay từ khi đoàn bắt đầu tới thủ đô Rabat, Chủ tịch Quốc hội thông báo mục đích chuyến thăm, các hoạt động của Đoàn nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc nói chung, với Nghị viện Maroc nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội thông báo tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại... của Việt Nam trong thời gian gần đây; trong đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 tăng 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2008.

Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Đặc biệt, mới đây nhất, Việt Nam là quốc gia được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai...

Chủ tịch Quốc hội cho biết thông qua những sự kiện quốc tế và hoạt động đối ngoại quan trọng, uy tín và vị thế của nước ta không ngừng được nâng cao trong cộng đồng quốc tế, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp vào hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thực hiện công tác an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; về ý thức vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng của người dân trong nước để cuộc sống ngày càng phát triển. Đến năm 2020, cả nước phấn đấu có 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài nói chung, ở Vương quốc Maroc nói riêng đối với các sự kiện, vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện, với số lượng biên chế ít đã khắc phục những khó khăn, vất vả hoàn thành tốt công việc do Đảng và Nhà nước giao phó; khẳng định Đảng, Nhà nước, trong đó có Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ ngoại giao quán triệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà ngành ngoại giao đã đặt ra; đồng thời phối hợp với Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan của Quốc hội triển khai thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội ngày càng hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội đã thông qua Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sửa đổi), có một số nội dung liên quan đến chế độ chính sách, ủng hộ việc cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt của cơ quan đại diện và cán bộ nhân viên cơ quan đại diện.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, đây là sự động viên, chia sẻ, đồng thời cũng là sự gửi gắm niềm tin tới các cán bộ ngoại giao đang công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hoàn thành tốt hơn trọng trách của mình.

Trong quá trình thực hiện Luật, nếu có khó khăn gì, các cán bộ ngoại giao có thể phản ánh về Bộ Ngoại giao, hoặc tới Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tăng cường đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng; xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Bày tỏ vui mừng gặp cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Maroc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá các ý kiến phát biểu của bà con rất tâm huyết, cùng những kiến nghị thiết thực đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, sự quan tâm của bà con đóng góp cho sự phát triển của đất nước và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, luôn tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội nước sở tại, giúp cộng đồng duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về quê hương đất nước.

Đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của cộng đồng, bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt khó khăn để ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại và có những đóng góp tích cực đối với đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Đại sứ quán cần hướng dẫn các hội đoàn của người Việt hoạt động đúng mục đích và phù hợp với pháp luật nước sở tại, thực sự là hình ảnh, cầu nối quan trọng góp phần tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị mọi mặt giữa hai nước.

Nhấn mạnh mặc dù cộng đồng người Việt Nam tại Maroc không nhiều nhưng theo Chủ tịch Quốc hội,“cộng đồng càng nhỏ thì Đại sứ quán càng phải quan tâm nhiều hơn” để Đại sứ quán luôn là ngôi nhà chung của mọi người Việt sinh sống, làm ăn và học tập tại Maroc; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con cũng như tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Maroc để trao đổi cụ thể về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác liên nghị viện nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước cả trên bình diện song phương và tại các diễn đàn đa phương như IPU, APPF, APF và các tổ chức liên nghị viện khác.

 

Ngọc Mai