Đẩy lùi tín dụng đen bằng phát triển tín dụng tiêu dùng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:06, 17/03/2019
Tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn hạn chế
Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng ngày càng được hoàn thiện và phân phối rộng khắp cả nước nhờ sự năng động của các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng.
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong nền kinh tế có doanh nghiệp, hộ gia đình. Hộ gia đình là thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế bởi vừa là bên cung cấp vừa là bên sử dụng vốn, cụ thể, vay trực tiếp và gián tiếp qua các tổ chức trung gian.
Trong khi đó, thị trường chính thức chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường là điểm lợi cho các mô hình kinh doanh mới. Thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay có giá trị nhỏ (50 triệu đồng). Tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn hạn chế.
Ảnh minh họa
TS Nguyễn Đình Cung dẫn chứng cơ cấu dư nợ hiện: cho vay mua và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng rất lớn (50%); cho vay mua hàng hóa tiêu dùng lâu bền đứng thứ hai, chiếm 24%; cho vay mua phương tiện như ô tô, xe máy chiếm 15%; cho vay mua hàng điện tử, công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ 1%; cho vay phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh chiếm khoảng 3%.
Hầu hết các khoản vay có dư nợ dưới 500 triệu đồng, với kỳ hạn dưới 1 năm chiếm tới 40% và hầu như không có khoản vay trên 5 năm và phương thức cấp tín dụng chủ yếu là cho vay từng lần.
Các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng (CTTCTD) chủ yếu cho vay dưới hình thức mua hàng trả góp; cho vay qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản còn chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 5%), nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ và doanh số phát sinh lãi trên thẻ tăng rất nhanh qua các năm.
TS Nguyễn Đình Cung cũng đánh giá ngoài các hoạt động cho vay tiêu dùng nói trên, thị trường tài chính tiêu dùng còn hướng tới cả các nhóm khách hàng yếu thế, những người có thu nhập thấp thông qua việc cung cấp tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các khoản tín dụng vi mô được cung cấp bởi các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình dự án tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, trong một hai năm trở lại đây, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng đã có những xu hướng phát triển rất sát với thị trường thế giới với sự xuất hiện của các mô hình cho vay trực tuyến, các mô hình cho vay ngang hàng được cung cấp bởi các công ty Fintech. Mặc dù vậy, cũng có thể thấy rằng, quy mô của nhóm này vẫn còn rất nhỏ bé.
Một điểm nữa, mức độ tiếp cận tín dụng của người dân tại các tổ chức tài chính thức như là tổ chức tín dụng hiện còn hạn chế.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.
Đưa ra các giải pháp để thúc đẩy mảng tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh hơn, TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.
Bên cạnh đó, cần giáo dục nhận thức cho người dân. Thực tế hiện nay, nhiều khách hàng cho vay tiêu dùng không ý thức được đầy đủ rủi ro nên không trả nợ và lãi đúng kỳ hạn, dẫn tới nợ xấu. Ngoài ra cần giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng. Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan, việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào bất động sản và chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng
Công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng cũng cần được tăng cường trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.
Từ những thực trạng và thách thức của tín dụng tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số gợi ý như Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, nhằm đồng bộ hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; Tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của một số ít công ty tài chính lớn hiện nay…
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần tăng cường giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, đặc biệt là về các sản phẩm tài chính tiêu dùng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng…Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần có hành động để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như của các công ty tài chính.