Chỉ thị của Thủ tướng về triển khai công tác thi hành án hành chính
Chính trị - Ngày đăng : 21:42, 05/06/2012
Cần hạn chế tối đa các vụ việc có thể bị khởi kiện ra Tòa án
Chỉ thị khẳng định: Thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy, công tác thi hành án hành chính chưa được triển khai đầy đủ, vẫn còn tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do tính chất phức tạp của công tác thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi hành án hành chính của các cấp, các ngành còn hạn chế; tại một số địa phương, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự chưa được kiện toàn, đào tạo và bồi dưỡng kịp thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Để triển khai thực hiện tốt công tác thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 56/2010/QH12 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ, ngành, địa phương mình trong việc ban hành quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính, hạn chế tối đa các vụ việc có thể bị khởi kiện ra Tòa án…
Nguyên đơn trong một vụ kiện hành chính tại Hưng Nguyên, Nghệ An Ảnh: DT
Các Bộ, ngành, địa phương phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Luật Tố tụng hành chính về thi hành án hành chính đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; Thực hiện và chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ, ngành, địa phương mình thi hành kịp thời, nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật; Định kỳ 6 tháng một lần, tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính của Bộ, ngành, địa phương mình báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính.
Các Bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc
Chỉ thị cũng quy định trách nhiệm cụ thể của một số Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp liên quan đến việc triển khai công tác thi hành án hành chính.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm: Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế công chức; bố trí tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án hành chính; ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hành chính để chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, những vấn đề khác có liên quan trong việc triển khai công tác thi hành án hành chính. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tạo điều kiện cho các cơ quan thi hành án dân sự bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính và đôn đốc thi hành án hành chính. Thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về công tác thi hành án hành chính.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Chỉ thị nêu rõ phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về công tác thi hành án hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật Tố tụng hành chính trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn nghiêm túc thi hành án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có căn cứ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc đôn đốc thi hành án hành chính, thống kê, báo cáo kết quả thi hành án hành chính.
“Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này cùng với việc sơ kết thi hành Luật Tố tụng hành chính vào năm 2015 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…” - Chỉ thị nhấn mạnh.
Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 24-11-2010, có hiệu lực thi hành 1-7-2011. Luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý và thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (sau đây gọi là thi hành án hành chính). Để triển khai thi hành luật, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24-11-2010 về việc thi hành Luật tố tụng hành chính. |
Kiều Trinh