Xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm vì sao?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:20, 04/11/2018
Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/01/2018. Trên cơ sở quy định của pháp luật, NHNN đã báo cáo và Chính phủ phê duyệt chủ trương và phương án định hướng để xử lý các ngân hàng yếu kém.
“Đúng là tiến trình chậm, vì trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, NHNN đang tiến hành định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư. Quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các phương án cụ thể để tham gia của các nhà đầu tư vào xử lý các ngân hàng này mất nhiều thời gian và phải trên cơ sở cam kết của các nhà đầu tư và định hướng của Chính phủ. Thời gian tới, NHNN sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Ảnh minh họa
Đề cập đến tình hình triển khai Nghị quyết 42, về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc triển khai trong thời gian vừa qua là rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Theo Thống đốc, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực từ 15/8/2017 và thời gian tổ chức thực hiện mới hơn một năm. “Vào cuối tháng 9/2018, chúng tôi đã tổ chức sơ kết một năm việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như triển khai Đề án 1058, về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Chúng tôi cho rằng kết quả đạt được về xử lý nợ xấu là rất tốt”, Thống đốc nói.
Về kết quả xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, trong vòng hơn một năm các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu, theo báo cáo Quốc hội là khoảng 140.000 tỷ. Riêng công ty VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ số đã mua. Đến tháng 6/2018 nợ xấu nội bảng là 2,09%.
Những tồn tại khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết 42, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để triển khai quyết liệt hơn nữa và xử lý những vấn đề tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát tín dụng cho vay các lĩnh vực rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, cho vay các dự án BT, BOT, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay các tỷ lệ này được kiểm soát chặt chẽ. Đến hết tháng 8/2018, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 7,4%.
Dư nợ tín dụng vào các dự án BT, BOT chiếm tỷ trọng 1,6% tổng dư nợ tín dụng; trong khi cùng kỳ năm 2017 các tỷ lệ này lần lượt là 9% và 1,57%. Tiền rót vào thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng 0,36% tổng dư nợ.
Thống đốc khẳng định, NHNN đã nhất quán kiểm soát chặt tín dụng tiềm ẩn rủi ro” bằng việc ban hành văn bản pháp luật, tăng hệ số tỷ lệ an toàn vốn trong cho vay bất động sản. Cùng đó, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro. "Tỷ trọng, tốc độ tăng tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro này được kiểm soát chặt chẽ", Thống đốc nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã yêu cầu NHNN tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội; Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện việc thanh toán không sử dụng tiền mặt cả ở khu vực tư và khu vực công bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao.
Mặt khác, rà soát, nghiên cứu áp dụng có chọn lọc việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, khi thấy đủ điều kiện thì dỡ bỏ quy định này; Cùng với đó, sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 96, năm 2014 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.