Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng: Mỗi nhà mỗi cảnh

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 19:00, 05/03/2018

Một mùa đại hội nhìn chung ấm áp hơn, nhưng mỗi nhà băng có mỗi câu chuyện vui buồn riêng.

Sáng 3/3, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) mở đầu mùa đại hội đồng cổ đông của ngành. Như phần lớn các thành viên khác, không khí đã ấm áp hơn trước.

Bởi vì, dù gì thì Techcombank là một trường hợp cá biệt: 8 năm liền không trả cổ tức, với những cổ đông đã nhiều tuổi, liệu ngân hàng có tính đến khía cạnh thời gian đằng đẵng đó có thể trở nên vô tình?

Dù vậy, đại hội đồng cổ đông tiếp tục thông qua việc tiếp tục không trả cổ tức, với nghĩa "cơm chưa ăn, gạo còn đó", và vì lợi ích chung của ngân hàng về củng cố tiềm lực vốn.

Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng: Mỗi nhà mỗi cảnh

Lợi nhuận không trả cổ tức suốt 8 năm đồng nghĩa Techcombank dồn tích nguồn lực và nguồn lợi, như một điểm hấp dẫn thu hút cổ đông, nhà đầu tư mới. Vì năm nay ngân hàng này xác định đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Techcombank cũng là trường hợp đầu tiên trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tính đến thời điểm này, đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm nay ở con số 10.000 tỷ đồng. Lợi nhuận tiếp tục dự kiến tăng trưởng mạnh, dù treo cổ tức, nhưng hẳn phần lớn cổ đông hài lòng (với tỷ lệ biểu quyết các vấn đề cao).

Ngược lại, đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) sắp tới có phần khác.

Thông tin bước đầu từ HDBank, sau kết quả lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu năm qua, ngân hàng tiếp tục chi trả cổ tức cao, cùng với cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Dự kiến mức chi trả có thể lên tới 30%, chi tiết sẽ trình đại hội.

HDBank là trường hợp có truyền thống chi trả cổ tức lớn và nhanh. Thậm chí có năm, khi mà nhiều nhà băng không được trả cổ tức, hoặc chỉ được trả các mức dưới 5%, chủ yếu bằng cổ phiếu, thì HDBank trả luôn 10% bằng tiền mặt và "ting ting" vào tài khoản cổ đông khi họ đang ngồi họp.

Cũng như HDBank, năm qua Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam (về con số tuyệt đối), có cơ sở để trình đại hội đồng cổ đông tới đây một tỷ lệ chi trả cao, mà thị trường đang có những đồn đoán cao hiếm có trong lịch sử hệ thống các tổ chức tín dụng nội địa.

HDBank, VPBank và Ngân hàng Quốc tế (VIB) những năm gần đây thường dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ chi trả cổ tức. Họ là ngân hàng tư nhân, mô hình và tính tự chủ cao hơn, nên linh hoạt hơn ở mức độ chi trả.

Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước đang chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối (Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và phát triển - BIDV, Ngân hàng Công thương - VietinBank) việc chi trả cổ tức năm nay vẫn đang để ngỏ.

Vì đặc điểm mô hình Nhà nước còn chi phối tỷ lệ sở hữu, cổ tức liên quan đến ngân sách, nên việc chi trả bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu khó tự quyết. Nếu những nhà băng này được tự quyết trả bằng cổ phiếu để tăng vốn và giữ lại nguồn lực lợi nhuận củng cố năng lực tài chính, thì họ đã không gặp nhiều khó khăn trong hai năm gần đây.

Hoặc như Vietcombank, lợi nhuận tạo kỷ lục năm qua, nhưng để từ đó nâng mạnh tỷ lệ chi trả cổ tức, hoặc thưởng thêm cho cổ đông là không dễ tự quyết. Vậy nên, năm nay, dự kiện đây vẫn là trường hợp có mức chi trả vừa phải.

Có lợi nhuận lớn để trả cổ tức đã đành, nhưng năm nay dự kiến sẽ tiếp tục có những thành viên không trả được cổ tức, gắn với những câu chuyện riêng của họ.

Trước mùa đại hội này, tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cổ đông kỳ vọng lần đầu tiên trong bốn năm qua họ có thể trở lại nhận cổ tức, dù với một tỷ lệ thấp. Thế nhưng, vụ việc rủi ro lượng lớn tiền gửi của một khách hàng bị mất, cổ đông lại thêm nỗi niềm.

Còn tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), sau năm đầu tiên tái cơ cấu theo đề án mới, lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu, lượng lớn nợ xấu được xử lý, nhưng có chi trả được cổ tức hay không vẫn là câu hỏi chờ đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng tài chính, nếu thực hiện hạch toán theo quy định thông thường như những nhà băng bình thường, việc Sacombank tiếp tục không được trả cổ tức trong vài năm tới thì không có gì bất ngờ, ngoại trừ có tốc độ thần kỳ trong xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng cùng lợi nhuận vượt trội.

Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), dù lợi nhuận quý 4 hạn chế nhưng cả năm 2017 tăng trưởng mạnh và vượt xa chỉ tiêu. Theo đó, ngân hàng này đã công bố nâng tỷ lệ trả cổ tức năm nay dự kiến 12%.

Nhưng tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên dự kiến cuối tháng 3 tới, cũng như kỷ niệm tròn 10 năm có mặt trên thị trường, có lẽ nhiều cổ đông cũng tâm tư, khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Hưởng đã nói lời chia tay vì lý do sức khỏe …

Mỗi nhà băng có mỗi câu chuyện riêng như vậy. Nhưng tựu trung, mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng Việt Nam năm nay sẽ có không khí ấm áp hơn, vì hầu hết các thành viên đều đã đạt kết quả tốt hơn năm qua, cũng như đang đứng trước triển vọng tăng tốc trong năm 2018.

PV