Bitcoin và những cảnh báo rủi ro

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 15:33, 21/12/2017

Bitcoin trở thành từ khóa "nóng" trên toàn cầu trong năm 2017, là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất.

Là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017, bitcoin và cuộc chơi tiền ảo, tiền kỹ thuật số đã thực sự tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tham gia mới mỗi ngày và đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đề tài bitcoin được nhắc đến mọi nơi mọi chỗ, không chỉ ở Việt Nam hay tại Mỹ. Theo thống kê công ty môi giới số lượng người mở tài khoản tăng nhanh, đồng thời, kèm theo đó là sự tăng giá của tiền điện tử đến 4 lần trong 3 tháng. Tốc độ kiếm tiền do tăng giá nhanh hấp dẫn những người đầu cơ.

Bitcoin và những cảnh báo rủi ro

Tại cuộc tọa đàm “Bitcoin và làn sóng Blockchain”, ông Trần Hữu Đức - Thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam cho biết Bitcoin không phải là trào lưu gần đây. Năm 2014 có làn sóng tương tự tuy nhiên sóng này ngắn hơn khi chỉ diễn ra trong vài tháng lên 1000 USD rồi rớt xuống.

Thực tế hiện đang cho thấy số lượng người quan tâm, sẵn sàng đầu cơ các đồng tiền ảo, tiền kỹ thuật số ngày càng lớn. Dưới góc độ một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bitcoin cho thị trường,  ông Nguyễn Việt Bách đến từ Bitcoin.vn  nhìn nhận  đa số mọi người đổ xô vào bitcoin chủ yếu là đầu cơ, họ sử dụng không nhiều mà chủ yếu là mua để chờ giá lên và bán. Ông Bách cũng cho rằng trong vòng 1-2 năm nữa bitcoin vẫn có thể tăng, đến 50.000-100.000 USD. Tuy nhiên nhiều vấn đề đang xuất hiện, nhiều đồng tiền cạnh tranh và bitcoin cũng đang phân nhánh. “Tôi nghĩ 5 năm nữa không thể tiếp tục tăng”, ông Bách nói.

Tại Việt Nam, nơi được đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất, bên cạnh những mới mẻ và cơ hội, người tham gia vào cuộc chơi này cũng chịu không ít rủi ro: từ những bất trắc vốn có của mô hình mới đến những hoạt động lừa đảo, gian lận đa cấp núp bóng tiền ảo… Những rủi ro này ngày càng lớn theo quy mô đầu tư, trong bối cảnh mà Việt Nam, cũng như nhiều nước, chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và cập nhật để điều chỉnh với các sản phẩm mới.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT BASICO, theo quy định luật pháp tài sản sở hữu có 3 loại là vật, tiền và tài sản. Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào theo luật mà có thể coi là một vật phẩm ảo hay ở Việt Nam có thể gọi là tiền ảo. Vì bản chất, bitcoin không phải là tiền, khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới. Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy chế về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng khi mua tiền ảo thì cần tiền thật và mục đích của việc chuyển tiền ảo từ người này sang người kia, từ nước này sang nước kia giao dịch mua bán cần phải được kiểm soát. Các ngân hàng sẽ phải kiểm soát khi bitcoin được quy đổi sang lượng tiền lớn, rút ra nộp vào. Về bản chất, không thể tự nhiên mà bitcoin có thể thành tiền nếu không được kiểm soát.

Từ góc độ của một người làm tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng tiền ảo, tiền điện tử chưa thể coi là tiền vì tiền cần NHTW, các nước công nhận và hiện cũng chưa có tỷ giá hối đoái. Biến động đồng tiền còn phải ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác. Đồng tiền dựa trên blockchain (chuỗi khối) có thể thay thế các đồng tiền hiện tại nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán.

Phân tích về nguyên nhân tiền ảo, tiền kỹ thuật số tăng nhanh thời gian qua, ông Nguyễn Duy Hưng  cho rằng có 2 lý do. Đó là nó là công cụ đầu cơ và cũng là công cụ chuyển tiền ẩn danh. “Nhà nước cần đưa ra giải pháp ngăn chặn việc này để giúp phân tích người làm ăn bài bản với người lợi dụng câu chuyện biến tướng thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát”, ông Hưng khuyến cáo.

Mạnh Nguyễn