Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vốn ngân hàng: Cần tháo gỡ từ hai phía
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 14:29, 09/10/2017
Doanh nghiệp kêu khó
TS Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Việt Nam hiện nay DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Bên cạnh việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế, rõ ràng cộng đồng DN này đang đóng góp cho sự ổn định công ăn việc làm, góp phần khắc phục rủi ro cho nền kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
Dù DNNVV có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng có một thực tế là không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo đủ 100% vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Theo TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội, vốn tín dụng của ngân hàng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị cải tiến phương thức kinh doanh. Từ đó góp phần thúc đẩy tạo điều kiện cho quá trình phát triển sản xuất kinh doanh đựơc liên tục.
Vốn tín dụng của NH đã tạo điều kiện cho các DN đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị cải tiến phương thức kinh doanh. Ảnh: Trần Việt
Lợi ích từ vốn tín dụng ngân hàng là điều rõ ràng, không phải bàn cãi, tuy nhiên, không phải DNNVV nào cũng có thể tiếp cận với nguồn vốn vay. Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp tín dụng cho DNNVV” diễn ra mới đây, ông Lâm Văn Chiểu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân nêu lên thực tế, doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam với diện tích sản xuất lớn nhưng là diện tích đi thuê của bà con nông dân rồi quy hoạch lại thành “Cánh đồng mẫu lớn” vùng sản xuất tập trung, nhưng phần đất đai sản xuất, hạ tầng cánh đồng không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn.
Cũng theo ông Chiểu, hiện nay các DN đang rất cố gắng gồng mình để vượt qua và chống chọi với những khó khăn chung của nền kinh tế hiện tại, đặc biệt với các DN nông nghiệp mức độ rủi ro ngày một gia tăng. Do đó, ông Chiểu đề nghị hệ thống ngân hàng tăng cường kiểm tra, xem xét các DN làm ăn hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ cho vay tín chấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn theo ông Trần Quốc Toản – đại diện Công ty TNHH Toản Xuân, Chính phủ đã ban hành nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch và dự kiến xây dựng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nhưng để chính sách tín dụng đó đến với doanh nghiệp nông nghiệp nhất là những DNNVV trên cả nước lại là một vấn đề không dễ đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và người được thụ hưởng là các DN…
Cần sự nỗ lực của cả DN và ngân hàng
Tín dụng đối với DNNVV trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế ngân hàng nhà nước (NHNN), việc cho vay DNNVV vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.
Ngoài lý do xuất phát những khó khăn chung của thị trường trong và ngoài nước, đại diện NHNN nhận xét phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi. Các DNNVV chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn; Thiếu các tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản đảm bảo không minh bạch. Nhiều tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng chưa được chứng nhận tài sản gắn liền với đất hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng gây khó khăn trong quá trình định giá của ngân hàng.
Một số DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay khiến TCTD gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn.
Về phía ngân hàng, ông Hùng cho rằng một số TCTD còn thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay; TCTD không có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV. Chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy chưa khuyến khích được các DNNVV tìm đến và các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này.
Đại diện NHNN cho biết để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD…
NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và doanh nghiệp; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất các các lĩnh vực khác nhau để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới.
Ông Hùng cũng cho biết, giải pháp của ngành NH chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp. Bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các TCTD; tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát dòng tiền và tình hình tình hình tài chính của DN trong quá trình vay vốn.