Quy định về hành nghề luật sư: Vừa “chặt”, vừa “lỏng”

Chính trị - Ngày đăng : 22:04, 31/05/2012

Ngày 31-5, Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không nhất trí với một số quy định quá khắt khe hay quá “lỏng” của dự thảo Luật.

Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên không được miễn đào tạo luật sư?

Về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, Luật được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Theo đó, đối với một số đối tượng đã từng đảm nhiệm các chức danh tư pháp thì phải bảo đảm có đủ 5 năm thực tế công tác trở lên mới được xem xét cho miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.  

Quy định về hành nghề luật sư: Vừa “chặt”, vừa “lỏng”

Luật sư hành nghề tại một phiên tòa    Ảnh: VG

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, để được bổ nhiệm các chức danh tố tụng như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên (kể cả Thẩm phán, Kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian công tác thực tiễn nhất định, vì vậy, việc quy định phải có thêm thời gian 5 năm trở lên giữ các chức danh đó mới được miễn đào tạo nghề luật sư là không hợp lý. Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị, đối với người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên (kể cả Thẩm phán, Kiểm sát viên sơ cấp) thì nên giữ như quy định hiện hành. Đối với các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng) thì cần cân nhắc quy định bắt buộc phải qua một thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Đối với Công chứng viên, Chấp hành viên, Thừa phát lại, không nên đưa vào diện được miễn đào tạo nghề luật sư vì họ chưa được đào tạo nghề tiến hành tố tụng.

Không nên quá “mở” đối với người từng bị kết án

Về các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không cấm hành nghề luật sư đối với người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích. Quy định này được lý giải là nhằm tạo thêm cơ hội hướng thiện và cơ hội hành nghề cho những người đã từng phạm tội.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố hết sức quan trọng. Do đó, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng có quy định tương tự. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đưa người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích ra khỏi diện bị cấm hành nghề, nhưng chưa có sự tổng kết, đánh giá, thuyết minh đầy đủ về sự cần thiết của việc sửa đổi nội dung này. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị cho giữ quy định về vấn đề này như quy định của Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhưng không mở rộng đối với tất cả các tội nghiêm trọng do cố ý như dự thảo Luật, nhất là đối với trường hợp cố ý phạm tội nghiêm trọng thuộc các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; phạm tội với thủ đoạn gian dối, trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc  v.v...  

Giảng viên được hành nghề luật sư?

Theo dự thảo Luật thì viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật vẫn thuộc diện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Quy định này nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư, góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư, tạo điều kiện cho viên chức giảng dạy pháp luật có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

Có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, vì cho rằng, theo quy định của Luật Viên chức, thì việc hành nghề luật sư không thuộc diện bị cấm đối với giảng viên đại học.

Tuy nhiên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, định hướng phát triển nhanh đội ngũ luật sư, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 20 ngàn luật sư phải gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng, trong đó có yêu cầu chuyên nghiệp hóa cao của đội ngũ luật sư. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được “kiêm nhiệm” hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, nhiệm vụ chủ yếu và hết sức quan trọng của họ là đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng và hoạt động tố tụng chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính, do đó giảng viên không thể làm thêm nghề luật sư trong giờ hành chính được. Như vậy, việc cho phép nhóm đối tượng này được “kiêm nhiệm” hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, vấn đề này cũng đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn và đã được Quốc hội khóa XI cân nhắc, quyết định khi thông qua Luật Luật sư (tháng 6-2006). Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định lại nội dung này trong dự thảo Luật.

Bảo Nam