Điểm mới về chính sách tín dụng đầu tư Nhà nước
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:00, 10/08/2017
Tính từ năm 2006, Chính phủ thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - đơn vị thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, chính sách tín dụng đầu tư Nhà nước trong hơn 10 năm qua đã từng bước được hoàn thiện, sửa đổi để phù hợp với bối cảnh từng thời kỳ. Vốn tín dụng đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và năng lực sản xuất của nền kinh tế trong thời gian qua, góp phần thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu và định hướng phát triển của Nhà nước; Tập trung vốn thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao dịch vụ công và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong giai đoạn 2006-2016, tín dụng đầu tư của Nhà nước được thực hiện thông qua VDB đã phát huy tác dụng đối với những ngành nghề và lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch kinh tế, nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội để hỗ trợ cho kênh đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Ngày 31/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư nhà nước thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 (Nghị định 75) về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 và Nghị định số 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Nghị định số 32 có một số điểm mới, nổi bật đáng chú ý sau:
Đối tượng cho vay: Là các doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này. Cụ thể, dự án được vay vốn quy định trong danh mục thuộc các lĩnh vực không phân biệt địa bàn đầu tư như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Nông nghiệp nông thôn; Lĩnh vực công nghiệp; Các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ... Trường hợp các dự án này đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.
Điều kiện cho vay: Khách hàng vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; Dự án đầu tư xin vay vốn được VDB thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay; Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do VDB xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật; Mua bảo hiểm tài sản tại một DN bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay; Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật; Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm VDB xem xét cho vay, giải ngân vốn vay;
Mức vốn cho vay: Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của VDB (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. VDB quyết định mức vốn cho vay đối với từng dự án đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và đảm bảo giới hạn tín dụng theo quy định.
Thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm. VDB quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và phù hợp với quy định. Riêng đối với các dự án đặc biệt cần phải cho vay vượt quá thời hạn cho vay tối đa, VDB thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu VDB được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ chi phí quản lý ổn định trong thời kỳ 03 năm, đảm bảo cho VDB đủ nguồn kinh phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Thẩm quyền xử lý rủi ro cho vay: thẩm quyền xử lý rủi ro sẽ được thực hiện theo Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trách nhiệm của khách hàng vay vốn: sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, khách hàng phải hoàn thành quyết toán công trình theo đúng quy định, hoàn thành thủ tục liên quan xác lập quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với VDB. Trường hợp không thực hiện theo quy định tại điều này, khách hàng phải chịu chế tài theo quy định của Nhà nước và củaVDB”.