Tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng nhìn từ đại án nghìn tỷ

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 21:03, 05/03/2017

Những cái tên như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm… đang khiến dư luận bất an khi những cựu lãnh đạo NH đã và đang phải ra hầu tòa vì những sai phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với số tiền thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) từng khiến dư luận chấn động.

Cụ thể, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 12-2012 đến tháng 5-2014, đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng.

Đến thời điểm khởi tố vụ án (26-7-2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, tổng số nợ phải trả là 38.255 tỉ đồng.

Với những sai phạm của mình, Phạm Công Danh đã phải lãnh án 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với Phạm Công Danh là 30 năm tù.

Cùng hai tội danh nêu trên, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cũng bị tuyên án 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 19 năm tù.

Tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng nhìn từ đại án nghìn tỷ

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Ảnh: Mạnh Hùng

Hiện, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vẫn đang diễn ra. Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Hành vi của Hà Văn Thắm – cựu CTHĐQT Oceanbank cùng Ban giám đốc OceanBank đã đẩy ngân hàng này vào khoản nợ xấu 15.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng.

Những bất cập từ những người điều hành, lãnh đạo một số ngân hàng đang được chính NHNN thừa nhận. Tại Dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém công bố hồi tháng 2 vừa qua, NHNN cho rằng  năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động. Do đó, trong dự thảo đã đặt ra yêu cầu rà soát lại và bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn người quản trị, điều hành.

Cụ thể, dự thảo của NHNN đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều 33, Điều 50 Luật các tổ chức tín dụng 2010 về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng.

Dù chưa nêu các điểm, tiêu chuẩn đề xuất sửa đổi cụ thể nhưng đã NHNN dẫn giải: ”Các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định về hoạt động ngân hàng cấm vĩnh viễn không được phép tham gia quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; Thành viên HĐQT phải có kiến thức về quản trị rủi ro; Tổng giám đốc phải có năng lực phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp trong hoạt động của Tổ chức tín dụng tham gia điều hành...”

Hàng nghìn tỉ đồng đã thất thoát từ những đại án như Oceanbank hay VNCB là cái giá đắt mà chính nền kinh tế phải gánh từ sai phạm của những những người đứng đầu ngân hàng. Và thực tế cấp thiết này đang đặt ra yêu cầu về các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành bao gồm cả các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức mà các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã không còn đáp ứng được.

Bảo Anh