Ngân hàng và nỗi lo mang tên “nợ xấu”
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 16:46, 09/08/2016
Nợ xấu đã tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2016. Ảnh minh họa
Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã lần lượt công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Bên cạnh những con số về doanh thu, lợi nhuận thì tình hình chung, các ngân hàng, trong đó có nhiều ngân hàng lớn đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh trong bảng cân đối tài chính của mình…
Nợ xấu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 chiều ngày 2/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết theo số liệu các tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, nợ xấu đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%.
Cụ thể trong báo cáo tài chính của các ngân hàng tín dụng, nhiều ngân hàng đang phải ôm nợ xấu không nhỏ. Trong đó có khá nhiều “ông lớn” như BIDV, Vietinbank… Như BIDV, tổng số nợ xấu cao nhất lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2% trong 6 tháng đầu năm nay.
VietinBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 2.795 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 0,9%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 0,85% hồi đầu năm.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,86% vào cuối năm 2015 lên 5,3% cuối quý II/2016. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng.
Sacombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm.
VIB cũng có tổng nợ xấu là 945 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%, giảm so với tỷ lệ 2,07% hồi cuối năm 2015…
Xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn
Áp lực gia tăng nợ xấu trong nửa đầu năm 2016 là điều không thể phủ nhận. Nguyên nhân được chỉ ra rằng phần nợ xấu được chuyển sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong nửa đầu năm 2016 đã trở nên hạn chế. Sau giai đoạn mua cấp tập vào năm 2015, để giúp giảm nợ xấu trên sổ sách các ngân hàng xuống dưới 3%, năm 2016, VAMC đã hạn chế mua để chuyển sang tập trung công tác xử lý.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số gần như thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015. Điều này có nghĩa trong nửa đầu năm nay, lượng nợ xấu được bán/bán được sang VAMC rất hạn chế. Theo đó, nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng như trên là sự ghi nhận thực chất hơn, thay vì tiếp tục chuyển phần lớn sang đây.
Cùng với việc VAMC hạn chế mua, chính sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm đã đẩy một phần lẽ ra là nợ xấu về tương lai, mà nay đang phải nhận về và là một trong những nguyên nhân/phản ánh ở xu hướng nợ xấu tăng lên.
Nhận xét về việc xử lý nợ xấu hiện nay, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách -Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) nhận định: “Xử lý nợ xấu hiện nay có thể thay đổi về lượng nhưng không thay đổi căn bản về chất. Xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu “dọn” nợ vào kho, còn khối nợ xấu này có hướng giải quyết như thế nào thì vẫn chưa có lời giải”.
Hiện nay, xử lý nợ qua Công ty VAMC vẫn đang được thực hiện để kiểm soát nợ xấu dưới 3%. VAMC cũng chính thức được triển khai phương án mua - bán nợ xấu theo giá thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; vốn sử dụng để mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Ngoài ra, Thông tư 08/2016/TT-NHNN của NHNN cũng đã trao cơ chế chủ động và trao quyền nhiều hơn cho VAMC trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Những điều chỉnh này được kỳ vọng thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng nhanh hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ.
Rõ ràng, công cụ xử lý nợ xấu đã có, tuy nhiên vẫn có những lo ngại trong bài toán xử lý nợ xấu như việc xử lý tài sản đảm bảo. Theo các chuyên gia, cái khó nhất trong câu chuyện xử lý triệt để nợ xấu vẫn là bán tài sản để thu tiền thật chứ không phải “dồn” nợ xấu từ nơi này sang nơi khác. Điều này đang đòi hỏi những quy định pháp lý rõ ràng hơn cũng như một thị trường mua bán nợ rất minh bạch.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong 6 tháng cuối năm 2016, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của NHNN. Các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% sẽ phải báo cáo phương án về NHNN và có phương án giải quyết. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng để xử lý nợ xấu. Còn định hướng điều hành của Chính phủ đối với vấn đề nợ xấu là trong thời gian tới tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém; Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu; Tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020…