“Cuộc đua” lãi suất có cản đường ổn định lãi suất?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:14, 04/04/2016

Trong nhiều ngày qua, “cuộc đua” lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã trở thành chủ đề nóng trên thị trường tiền tệ. Hàng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động ở kỳ hạn trung và dài hạn.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên và liệu điều này có ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định lãi suất mà nhà điều hành đang hướng tới?

Diễn biến thị trường những ngày cuối tháng 3/2016 vừa qua cho thấy “cuộc đua” lãi suất chưa có dấu hiệu dừng lại và “lây lan” từ các ngân hàng nhỏ sang cả những ngân hàng lớn. Nguyên nhân sâu xa được giới chuyên gia nhận định bắt nguồn từ bản dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) nhận định, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 sẽ ảnh hưởng đến lãi suất theo 2 con đường. Một là hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Đây là yếu tố sẽ đẩy lãi suất huy động trung và dài hạn lên. Dự thảo cũng nâng tỷ lệ rủi ro các khoản vay bất động sản từ 150% lên 250%. Nếu sửa đổi này được thực hiện sẽ dẫn đến việc các ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro khi cho vay bất động sản. Do đó, chi phí nhiều hơn và có thể sẽ đẩy lãi suất lên. 

“Cuộc đua” lãi suất có cản đường ổn định lãi suất?

Giao dịch tại ngân hàng

Con đường thứ 2 theo vị chuyên gia này liên quan đến một điểm trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được nắm giữ nhiều trái phiếu Chính phủ hơn. Với sửa đổi này nếu được thực hiện thì cầu về trái phiếu cũng sẽ nhiều hơn và nó có thể giảm áp lực huy động vốn của Chính phủ. Đây lại là yếu tố góp phần làm cho áp lực lãi suất nhẹ đi. 

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là lãi suất cho vay sẽ chịu ảnh hưởng thế nào bởi “cuộc đua” lãi suất đang chưa có dấu hiệu dừng ? Liệu mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp có đạt được và nó có tác động thế nào đến lạm phát? 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, lãi suất hiện nay so với lạm phát là tương đối cao, nếu lãi suất mà tăng thêm nữa sẽ không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cố gắng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải có thời gian.

“Vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách tỷ giá mới. Có lẽ nó đang góp phần tích cực cho việc giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Tôi hy vọng rằng, sau một thời gian nữa thì mức độ đô la hóa trong nền kinh tế sẽ giảm và người dân sẽ nắm giữ VND để gửi vào ngân hàng và đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động, còn thời điểm hiện tại vẫn đang có những căng thẳng nhất định”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nói. 

Còn PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) thì nhận định, lãi suất là giá cả, là vấn đề của thị trường. “Chính vì thế chúng ta cũng không nên kỳ vọng nhất thiết là lãi suất phải giảm hay là lãi suất phải tăng trong những thời điểm cụ thể”, ông Đặng Ngọc Đức nói.

Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính phân tích, khi một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, mong muốn của doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế về một mặt bằng lãi suất phù hợp để có chi phí sử dụng vốn thấp hơn, các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn thì đấy là những mong muốn rất chính đáng. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào những quy luật của thị trường.

Quay trở lại với tình hình cụ thể của Việt Nam hiện nay, ngay từ cuối năm 2015, các chuyên gia, các nhà kinh tế đã nhận định việc giảm lãi suất sẽ rất khó khăn và “room” để giảm lãi suất sẽ không còn lớn. Lý do là vì lãi suất còn quan hệ với lạm phát, với tỷ suất lợi nhuận bình quân trong nền kinh tế, lãi suất còn liên quan đến di chuyển luồng vốn và cả liên quan đến vấn đề tỷ giá.

“Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng mức lãi suất đang rất hợp lý và đang vào khoảng lãi suất của những năm 2005 – 2006. Như vậy, các doanh nghiệp cũng rất thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Trong giai đoạn tới, rõ ràng áp lực lãi suất tăng lên nhưng muốn giữ cho lãi suất ổn định thì tôi cho rằng điều quan trọng là các ngân hàng phải rà soát lại chi phí. Bởi trong lãi suất cho vay bao gồm cả chi phí hoạt động ngân hàng. Nếu như tất cả các ngân hàng đều cải tiến quy trình, công nghệ, hợp lý hóa nguồn nhân lực, hợp lý hóa lại mô hình tổ chức, quản trị ngân hàng để có thể giảm được chi phí thì mặt bằng lãi suất có thể giữ được như hiện nay cho dù áp lực tăng”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhận định.

Ông Đặng Ngọc Đức cũng cho rằng, nếu so sánh mặt bằng lãi suất ở Việt Nam và nước ngoài đúng là lãi suất ở Việt Nam cao hơn về mặt con số. Tuy nhiên, điều đó không đáng lo ngại bởi mặt bằng lãi suất của Việt Nam không hẳn là cao hơn so với mặt bằng thế giới. Lý do vị chuyên gia này đưa ra là lạm phát ở các nước khác được kiểm soát ở mức thấp, thường ở khoảng từ 2 - 2,5%. Trong khi lạm phát của Việt Nam năm 2016 dự kiến ở mức 4,7%. “Do đó, khó có thể khẳng định lãi suất của Việt Nam so với thông lệ quốc tế là cao hay thấp”, ông Đức nói. 

Ở góc độ điều hành, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiên tệ (Ngân hàng Nhà nước) đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá. 

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 vẫn là khả thi.

Đỗ Huyền