Tổ vay vốn, cánh tay nối dài của ngân hàng đến nông dân

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 05/02/2016

Với lợi thế gần dân, hiểu dân, các tổ vay vốn ở các địa phương thời gian qua đã giúp cho người nông dân được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ vốn vay ngân hàng.

Thông qua mô hình tổ vay vốn cơ sở, vốn của ngân hàng đến đúng địa chỉ, giúp nhiều đối tượng vay có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì thế, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của hệ thống ngân hàng.

Nhờ áp dụng thành công mô hình tổ vay vốn, ngân hàng Agribank không những tăng trưởng mạnh mẽ dư nợ cho vay nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và nhân lực mà tỷ lệ nợ xấu cũng rất thấp. Sau 05 năm phối hợp với Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Nghị quyết liên tịch, đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, và trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước.

Giàu lên nhờ Tổ vay vốn

Agribank là ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam và là ngân hàng chủ chốt tại địa bàn nông thôn. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện nay đã chiếm tỷ lệ 74,3%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Trong đó, tăng trưởng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân luôn được chú trọng hàng đầu và duy trì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức từ 10-12%. Đáng nói, tỷ lệ nợ xấu hộ sản xuất và cá nhân chỉ ở mức dưới 2%. Để duy trì được kết quả khả quan này có một phần đóng góp lớn của các tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Cho đến nay, trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank là Ngân hàng Thương mại triển khai cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất. Đến nay, Agribank triển khai cho vay thông qua 39.825 tổ vay vốn, trong đó có 24.242 tổ vay vốn Hội Nông dân, 9.432 tổ vay vốn Hội Phụ nữ và 6.151 tổ vay vốn Hội khác (Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…). Số thành viên tổ vay vốn cũng đạt con số kỷ lục với 962.205 thành viên, trong đó có 579.856 thành viên Hội Nông dân, 211.266 thành viên Hội Phụ nữ và 171.083 thành viên các Hội khác. Tổng dư nợ Agribank cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 42.049 tỷ đồng.

Tổ vay vốn, cánh tay nối dài của ngân hàng đến nông dân

Cán bộ Agribank luôn đồng hành cùng khách hàng vay vốn

Nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Agribank Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị…

Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn. Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh… Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân.
Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ… Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi có Nghị định 41, Tỉnh hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị 35; Agribank Thanh Hóa tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 15 “Tổ chức thực hiện Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Từ tỉnh đến xã thành lập ban chỉ đạo do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban. Nhờ đó đã nắm bắt được sát tình hình, nhu cầu cần vốn của nhân dân cũng như hướng dẫn kịp thời cho người dân sử dụng vốn vay đạt được hiệu quả cao nhất.

Các hộ nông dân nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, từ chỗ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ, giờ đây đã phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như những bứt phá trong phát triển kinh tế ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình nhu cầu vay vốn sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình của người nông dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng ngày càng cao.

Chính vì thế, Hội Phụ nữ huyện đã nhanh chóng tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn giúp cho hội viên có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chị Phùng Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Khánh cho biết hiện trên địa bàn huyện Yên Khánh có 119 tổ vay vốn với tổng dư nợ 45,1 tỷ đồng cho 1.596 lượt hộ vay phát triển kinh tế. Để nguồn vốn vay thực sự hiệu quả, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, kỹ năng quản lý, sử dụng vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Qua đó, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” và thỏa thuận liên ngành số 15 của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Agribank, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, thành lập các tổ vay vốn ở cơ sở theo địa bàn dân cư giúp cho hội viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động cho vay hộ sản xuất qua Tổ vay vốn đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh lớn có tính chuyên nghiệp cao và sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại được hình thành, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông thôn.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, hiện nay toàn tỉnh Ninh Bình có 2/8 Hội phụ nữ cấp huyện phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh các huyện; 25/145 hội phụ nữ cấp xã đã ký hợp đồng với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn để tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng.

Mô hình hoạt động của tổ vay vốn được thành lập theo địa bàn dân cư, số lượng thành viên tham gia tổ vay vốn bình quân dưới 30 thành viên/tổ; số tiền dư nợ bình quân đạt 1.296 triệu đồng/tổ vay vốn; bình quân 53 triệu đồng/hộ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 254 tổ vay vốn với 6.211 thành viên. Dư nợ cho vay qua tổ vay vốn do Hội phụ nữ quản lý là 329,3 tỷ đồng, chiếm 5,3% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thông qua chương trình phối hợp, 5 năm qua đã giúp cho trên 6.000 hộ gia đình được vay vốn, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 9.000 lao động có thu nhập ổn định, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Những ai từng đến Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước cũng có thể cảm nhận rất rõ sự thay đổi này. Tại Hà Tĩnh hiện nay đã thành lập được gần 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và không còn tình trạng "trắng" về mô hình kinh tế. Với sự đồng hành của Agribank (Chi nhánh Nghi Xuân- Hà Tĩnh) cùng các cấp Hội và chính quyền địa phương, từ năm 1993 đến nay, gia đình anh Lê Văn Bình (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân) xây dựng thành công trang trại tổng hợp trên diện tích 60 ha, trong đó có 50 ha trồng rừng. Gia đình anh Bình tiến hành san lấp diện tích hoang hóa trước đây để nuôi cá, tôm trên diện tích ao hồ rộng khoảng 2 ha và nuôi bò, lợn, gia cầm... đem lại năng suất cao và tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động trong xã. Mô hình trang trại của gia đình anh Bình là một trong những trường hợp điển hình của sự hợp tác gắn bó giữa Agribank và các cấp Hội, chính quyền địa phương cùng khách hàng trong phát triển kinh tế địa phương tại Hà Tĩnh.

Đến trang trại chị Lê Thị Tâm (Cam Lộ, Quảng Trị) mới thấy rõ sự đổi thay của một vùng đất vốn cằn cỗi, bạc màu trước đây nhờ có ý chí, bàn tay con người và đồng vốn ngân hàng. Là quân nhân phục vụ trong quân đội, sau khi xuất ngũ nghỉ hưu, năm 2011, chị Tâm quyết định mua 05 lô đất rừng diện tích 10 héc-ta thuộc xã Cam Thành với mong muốn xây dựng nơi đây thành trang trại tổng hợp khép kín. Bắt tay vào xây dựng trang trại, chị gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại, tài chính hạn hẹp, sự phản đối của chính những người thân trong gia đình… Trong lúc đang gặp khó khăn về nguồn tài chính, được sự quan tâm giới thiệu, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Cam Lộ và Agribank huyện Cam Lộ, chị đã mạnh dạn vay vốn tín chấp 1 tỷ 250 triệu đồng - đây là vốn vay theo thỏa thuận liên ngành số 799 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Agribank. Từ nguồn vốn Agribank, mọi “nút thắt” khó nhất đã dần được gỡ bỏ. Giờ đây, trang trại tổng hợp của chị Lê Thị Tâm có 1.000 con lợn thịt; 30 con lợn nái siêu nạc; nhân giống thêm 50 lợn nái rừng; 70 con chó lai; 2.000 con gà; 300 con ngan, vịt; 02 hồ thả cá các loại; 50 gốc Thanh long ruột đỏ; 500 cây Bơ; 03 ha Tràm và 01 ha cỏ để nuôi bò và một số loại cây khác... đem lại thu nhập sau khi đã trừ chi phí, gia đình chị có lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Trên khắp cả nước, có rất nhiều mô hình kinh tế như của chị Lê Thị Tâm (Quảng Trị) hay anh Lê Văn Bình (Hà Tĩnh). Ông Bùi Văn Đạt - Giám đốc Agribank Ninh Bình nhận xét: Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn.

Cần có cơ chế đặc thù

Hoạt động cho vay hộ sản xuất, kinh doanh qua tổ vay vốn đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Để giúp hội viên, phụ nữ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, 5 năm qua các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho 112.495 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Đồng thời xây dựng các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác do nữ làm chủ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đánh giá kết quả và phổ biến nhân ra diện rộng những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Qua đánh giá, các cấp hội cũng nhận thấy nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ rất cao. Chị Bùi Bích Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nho Quan cho biết: Từ thực tế chỉ đạo phong trào, nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, hội viên, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều hội viên, phụ nữ có nhu cầu và nguyện vọng được vay vốn phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đây là nguồn vốn vay tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng khó khăn nên chúng tôi mong muốn có cơ chế đặc thù cho các hội viên trong việc thẩm định vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.

Có thể khẳng định rằng, Agribank là Ngân hàng vào cuộc nhanh chóng và tích cực nhất triển khai mô hình tổ vay vốn. Bởi ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký kết Nghị quyết về việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank đã có những bước đi bài bản.

Cùng với việc triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Agribank đã kịp thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương.

Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân, thông qua nguồn vốn Agribank cho vay qua tổ vay vốn, hàng triệu gia đình có cơ hội sản xuất, kinh doanh, làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương.

Là ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đến nay, Agribank có tổng nguồn vốn đạt 804.259 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 673.435 tỷ đồng, trong đó dư nợ dành cho “Tam nông” đạt 71%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Cùng với việc triển khai hiệu quả mô hình tổ vay vốn từ rất sớm nhằm giúp khách hàng, nhất là người nông dân dễ thực hiện, tiếp cận vay vốn ngân hàng, Agribank không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục, đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ liên kết…

Trang Anh