Chính sách tiền tệ của NHNN 5 năm nhìn lại: Chặn đứng tình trạng ”đô la hóa”

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:33, 23/01/2016

Tỷ giá và thị trường ngoại hối thường xuyên biến động tăng cao, tình trạng “đô la hóa” tăng và tâm lý găm giữ ngoại tệ phổ biến, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối Nhà nước sụt giảm mạnh, “nguy cơ” mất giá của tiền đồng ngày càng lớn...

Đây là những bất cập tồn tại từ trước mà toàn ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 buộc phải mạnh tay giải quyết.

Đánh giá thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngân hàng nhận xét, chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp cho việc tháo gỡ các nút thắt của thị trường tiền tệ một cách thuận lợi, đem lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ thông qua sự kết hợp đồng bộ nhịp nhàng các công cụ điều hành như OMO (thị trường mở), điều hành đồng bộ lãi suất VND và ngoại tệ…

Cùng với việc điều tiết cung tiền phù hợp với nhu cầu của hệ thống và nền kinh tế, NHNN cũng chú trọng phối hợp điều hành công cụ lãi suất VND và ngoại tệ với các chính sách quản lý ngoại hối nhằm tăng cường sự ổn định của thị trường, điều chỉnh tăng tỷ giá tối đa khoảng 2 - 3% trong năm 2013.

Theo đó, cùng với các quyết sách rõ ràng và minh bạch của NHNN trong công tác điều hành chính sách tỷ giá (giảm trạng thái ngoại tệ, thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ, xử phạt nghiêm các vi phạm trong hoạt động ngoại hối) và các bước điều chỉnh tỷ giá hợp lý trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giúp diễn biến tỷ giá USD/VND trong  thời gian qua tiếp tục duy trì xu thế ổn định.

Diễn biến ổn định đó đã tạo tiền đề cải thiện dự trữ ngoại hối. Cụ thể, dự trữ ngoại hối 5 tháng đầu năm 2013 khoảng 27 tỷ USD tương đương 14 tuần nhập khẩu. Dự trữ ngoại hối gia tăng đã tác động tích cực tới niềm tin của thị trường đối với các giải pháp, chính sách của NHNN.

Chính sách tiền tệ của NHNN 5 năm nhìn lại: Chặn đứng tình trạng ”đô la hóa”

Việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt sẽ triệt tiêu dần tâm lý găm giữ ngoại tệ trong thời gian tới. Ảnh: Hải Yên

Ngoài ra, để duy trì sức hấp dẫn của đồng nội tệ, hạn chế việc chuyển dịch luồng tiền vào các tài sản ngoại tệ trong những thời điểm nhạy cảm, bên cạnh việc điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất VND, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động USD (vào ngày 27/6/2013  - Thông tư 14/2013/TT-NHNN).

Theo đó, lãi suất huy động USD tối đa với tiền gửi của cá nhân giảm từ 2%/năm xuống 1,25%/năm, lãi suất tối đa với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài) giảm từ 0,5%/năm xuống 0,25%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay USD vẫn duy trì ổn định, phổ biến 5-8%, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước là 4-5%/năm đối với ngắn hạn, 6-7%/năm đối với trung và dài hạn; các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 5,5-6,5%/năm đối với ngắn hạn, 6,5-8%/năm đối với trung và dài hạn.

Báo cáo những thành tựu nổi bật của chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 của NHNN cũng cho thấy, từ tháng 8/2011, NHNN thường xuyên chủ động đưa ra các cam kết duy trì ổn định tỷ giá trong từng năm để định hướng thị trường, kiểm soát kỳ vọng, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

Từ cuối 2011 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã đi vào ổn định, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Vị thế và lòng tin vào VND ngày càng được củng cố, tình trạng “đô la hóa” đã giảm mạnh, NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục.

Tháng 8/2015, trước những biến động bất thường do Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ và khả năng FED tăng lãi suất, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá tổng cộng 5%, giúp tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Các động thái điều chỉnh tỷ giá đã được Chính phủ, và các tổ chức quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.

Phát biểu tại Hội thảo “Hoạt động quản lý điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 - 2015 và những tác động với nền kinh tế” được tổ chức vào cuối tháng 12/2015, PGS, TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, một trong những thành công của NHNN giai đoạn này là đã từng bước giảm dần tình trạng “đô la hóa” thông qua biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất huy động USD.

Có thể kết luận rằng, một trong những thành công nổi bật nhất của NHNN giai đoạn 2011 -2015 vừa qua đó chính là những biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối. Các giải pháp điếu hành đó đã giúp nâng cao vị thế của tiền đồng, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh tiền tệ quốc gia.

Quang Tuyến