Giám định pháp y cần quy về một mối

Chính trị - Ngày đăng : 21:37, 29/05/2012

Ngày 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giám định tư pháp. Nội dung được thảo luận sôi nổi là vấn đề đổi mới tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh.

Không mở rộng quyền yêu cầu giám định

Về quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp (GĐTP), đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị mở rộng quyền này đối với bị can, bị cáo, người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Giám định pháp y cần quy về một mối

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỷ phát biểu ý kiến

UBTVQH cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể, nên không cần thiết đặt ra quy định quyền yêu cầu GĐTP của các đối tượng này. Đối với người bị hại, khi tham gia quan hệ tố tụng hình sự họ có đủ các quyền quy định tại Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự, riêng việc chứng minh vấn đề tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng như đã nêu trên, trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng vụ án hình sự, thì “trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”, người bị hại với tư cách là nguyên đơn dân sự vẫn có quyền yêu cầu GĐTP. Như vậy, việc bổ sung quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP đối với người tham gia tố tụng với tư cách “người bị hại” là không cần thiết.

Cần quy về một mối

Về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, theo UBTVQH, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với dự thảo Luật, theo đó, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người.  

Giám định pháp y cần quy về một mối

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng khẳng định việc duy trì giám định pháp y Công an cấp tỉnh không ảnh hưởng đến sự phát triển của giám định pháp y y tế vì cùng với việc giám định pháp y theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, giám định pháp y ngành y tế còn có nhiệm vụ chính là giải phẫu bệnh lý, làm rõ nguyên nhân tử vong đối với những bệnh nhân đến khám chữa bệnh...

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế sẽ đáp ứng một bước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm phù hợp với tính chất quản lý về chuyên môn, vì giám định pháp y là lĩnh vực y học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Theo UBTVQH: Hầu hết các ý kiến địa phương được khảo sát đều cho rằng, cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Đây cũng là nội dung đổi mới căn bản nhất trong dự án Luật Giám định tư pháp mà Chính phủ trình Quốc hội.

 

Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận): Pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả điều tra, xử lý nhiều vụ án xâm phạm tính mạng con người, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong giám định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật, vai trò của giám định pháp y Công an cấp tỉnh chưa được đánh giá đúng mức…

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội): Việc giám định pháp y tử thi của pháp y Công an cấp tỉnh không làm ảnh hưởng đến yếu tố khách quan, trách nhiệm và các hoạt động của pháp y ngành y tế...

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng): Đặt giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế quản lý thì việc đầu tư phát triển sẽ theo hướng chính quy, hiện đại, tập trung, hiệu quả, phát huy tối đa được sự phối hợp của các cơ sở y tế, có đủ các điều kiện cần thiết như thiết bị chuyên dùng, phương tiện kỹ thuật, do đó chất lượng giám định được nâng cao.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau): Đã đến lúc đặt giám định pháp y vào đúng vị trí sao cho phù hợp, quy về một mối, thống nhất thành một hệ thống từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Bảo Nam