Cấp phép mở rộng mạng lưới: NHNN không bít cửa!
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:28, 24/11/2015
Bởi việc mở rộng mạng lưới vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này.
Để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước ngày 1/10/2015, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản số 5056 về việc tạm ngừng cấp phép mở rộng mạng lưới của tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Không xem xét, chấp thuận đề nghị của TCTD Việt Nam mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, cung cấp dịch vụ mới hoặc triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới (trừ trường hợp đặc biệt được Thống đốc NHNN chấp thuận vì mục đích an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội) cho đến khi TCTD Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm 2015 theo kế hoạch NHNN giao và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ tín dụng trước ngày 1/10/2015.
Cũng theo yêu cầu của Thống đốc, TCTD Việt Nam không hoàn thành được kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1/10 cũng sẽ không được xem xét, chấp thuận các đề nghị tương tự nói trên ít nhất đến ngày 31/12/2015 (NHNN sẽ có thông báo việc hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu của từng TCTD).
Với văn bản này, nhiều người cho rằng NHNN đang làm khó các ngân hàng thương mại. Bởi, ngay từ những tháng đầu năm 2015, hầu hết ngân hàng đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều công bố đã, đang và sẽ hiện diện ở nhiều địa bàn mới trên cả nước. Lý do, thị trường tăng trưởng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở rộng mạng lưới. Nay, văn bản 5056 ra đời triệt tiêu mọi cửa mở rộng mạng lưới của ngân hàng thương mại, khi mà nhiều ngân hàng có nợ xấu bủa vây.
Trước những băn khoăn của thị trường, một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM khẳng định, NHNN không làm khó các ngân hàng thương mại trong việc mở rộng mạng lưới. Ngược lại, Văn bản của Thống đốc sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại kiểm soát tốt hơn hoạt động của mình.
Ngoài ra, vị này cũng khẳng định NHNN vẫn cấp phép mở rộng mạng lưới cho các ngân hàng bình thường, nếu ngân hàng đó có nền tảng vững mạnh. Bằng chứng mới đây, ngày 13/11/2015, xét đề nghị thành lập phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), tại Văn bản số 755/2015/VB-NHNA-03 ngày 28/8/2015, Thống đốc NHNN đã chấp thuận cho Nam A Bank thành lập 4 phòng giao dịch (PGD) tại Đà Nẵng và Bình Dương, bao gồm: PGD Thanh Khê, PGD Bến Cát, PGD Thuận An và PGD Tân Uyên. Theo đó, trong vòng 12 tháng tới, Nam A Bank có thể mở rộng mạng lưới theo quy định của NHNN đặt ra.
Rõ ràng, trường hợp Nam A Bank được cấp phép đến 4 PGD là ví dụ điển hình cho việc NHNN không hề bít cửa mở rộng mạng lưới của các ngân hàng. Chỉ cần ngân hàng đủ điều kiện đảm bảo an toàn vốn và nợ xấu dưới 3%, NHNN sẵn sàng cấp phép mở rộng mạng lưới, phục vụ cho hoạt động kinh doanh như Nam A Bank.
Suy cho cùng, câu chuyện mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh hiện nay không khó. Có điều, để được Thống đốc NHNN chấp thuận, các ngân hàng phải chứng minh được thực lực của mình trong thời gian tới. Bởi theo Thống đốc, mô hình quản lý NHNN sẽ kéo dài theo hướng không cấp phép ồ ạt như những năm trước, mà sẽ tập trung vào các ngân hàng có chất lượng nhiều hơn.
Nhận định về hướng phát triển mạng lưới của ngân hàng sắp tới, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, sau một thời gian cấp phép rầm rộ, mô hình này cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, vì thế, những ngân hàng thời gian trước cho mở rầm rộ thì nay đã dần rút gọn. Việc quản lý mô hình này vì vậy cũng có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Theo đó, trong thời gian tới các ngân hàng muốn mở rộng mạng lưới, trước hết, bản thân ngân hàng phải hoàn thiện, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.
“Chỉ có ngân hàng nào vững mạnh, nợ xấu thấp mới có thể xin NHNN chấp thuận mở rộng mạng lưới. Đây cũng là mục tiêu dài hạn mà các ngân hàng phải hướng tới”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.