Thủ tướng dự khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình

Chính trị - Ngày đăng : 15:41, 14/02/2019

Sáng nay (14/2), tại Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình.

Đó là Dự án Tuyến đường bộ ven biển và công bố Quy hoạch, triển khai Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ; khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế 1.000 giường tại khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình và cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy).

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan.

Thủ tướng dự khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án Tuyến đường bộ ven biển

Phát lệnh khởi công Dự án Tuyến đường bộ ven biển Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng cho rằng, Thái Bình là địa phương ngày càng nổi bật về sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng - lòng dân, thể hiện qua việc người dân tự nguyện giao đất để các nhà đầu tư tiếp cận đất đai hiệu quả.

Thái Bình còn là địa phương năng động, hiệu quả trong thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn, qua đó thu hút được những nhà đầu tư hàng tỷ USD đến với tỉnh.

“Niềm tin và sự kỳ vọng của Trung ương vào Thái Bình là rất lớn,” Thủ tướng nói và nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn không chỉ là bài toán kinh tế, sinh kế lâu dài của phần đông người dân Việt Nam, mà còn giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, là nền tảng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Nhân dịp đầu Xuân mới, Thủ tướng tặng Thái Bình 2 câu đối: “Tống cựu nghinh tân mừng xuân mới, quốc kế dân sinh kiến Thái Bình”.

Đánh giá cao việc các hộ dân đã giành đất cho dự án tuyến đường bộ ven biển, Thủ tướng lưu ý chính quyền địa phương hết sức quan tâm, chăm lo đời sống của đồng bào và tạo điều kiện làm việc cho người dân trong vùng dự án. Cùng với đó, trong quá trình thi công phải đảm bảo tiến độ, an toàn theo thiết kế. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành thủ tục để đảm bảo nguồn vốn cho dự án hoàn thành theo tiến độ đề ra để trong tương lai không xa hình thành tuyến đường bộ kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và các tỉnh trong khu vực.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng trước việc Thái Bình triển khai dự án Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ với sự tham gia của những tập đoàn có tiềm lực lớn về kinh tế; cho rằng đây là dự án quan trọng đối với Thái Bình và khu vực kinh tế nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, tạo tiền đề để xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan sớm hoàn tất thủ tục, triển khai các dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam muốn thành công phải nâng cấp nền tảng sản xuất và thị trường, nhất là cơ giới hóa, hình thành tư duy công nghiệp nông nghiệp. Thủ tướng lưu ý Thái Bình là địa phương có hạ tầng nông nghiệp cơ bản, trình độ thâm canh cao, vì vậy việc xây dựng Khu Công nghiệp phục vụ nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn, là cơ sở, tiền đề phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Thái Bình thu hút nhiều hơn nữa các Tập đoàn lớn vào đầu tư tại địa phương.

Dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển thành phố Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, chiều dài 34,42 km, tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng. Tuyến đường bộ ven biển Thái Bình nằm trong tổng thể tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh-Thanh Hóa; được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án sẽ phục vụ thiết thực cho các dự án quy hoạch trọng điểm như Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh, cảng Diêm Điền, Trung tâm Điện lực Thái Bình, các cụm công nghiệp của huyện Tiền Hải, Thái Thụy…, kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình với Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh…

Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng bắc bộ có quy mô 194,36 ha tại các xã An Thái, An Ninh, An Cầu (huyện Quỳnh Phụ), tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng. Dự án bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm…

Hoạt động của khu công nghiệp cùng hệ thống cánh đồng mẫu và cánh đồng liên kết sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Bình và lan tỏa đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, góp phần thay đổi tư duy, dịch chuyển cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, thương hiệu và an toàn.

Thủ tướng dự khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1

Dự lễ khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Thủ tướng cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội ngày một tăng, trung bình 10 – 11%/năm, Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn vốn Nhà nước và khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến nay, hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu và có dự phòng công suất, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng cho đất nước. Tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam hiện nay đã đạt gần 48.000 MW (đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia và xếp hạng 31 trên thế giới). Trong 15 năm qua (2003-2018), chúng ta đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất trên 21.000 MW. Khối lượng đường dây 500 kV tăng trưởng trung bình 13%/năm. Phát triển các công trình đường dây và trạm biến áp 220kV đến hầu hết các tỉnh, thành phố.

“Tôi rất vui mừng khi được biết Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được đánh giá là một trong các nhà máy nhiệt điện có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Dự án nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình, có quy mô công suất 600 MW, sử dụng công nghệ hiện đại và nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 1,27 tỷ USD. Sau thời gian hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả 2 tổ máy của nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2018. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện từ 3,6-3,9 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, đây là loại công nghệ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than antracite nội địa. Tro xỉ nhà máy thải ra được sử dụng làm phụ gia xi măng nên đã được tiêu thụ hết, không có tro xỉ tồn dư, môi trường được đảm bảo.

Theo Thủ tướng, việc hoàn thành, đưa vào vận hành thử nghiệm và ngày hôm nay chính thức vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 là niềm vinh dự lớn lao đối với ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, thực hiện nghiêm túc từng mốc tiến độ, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chính quyền địa phương vùng dự án với sự ủng hộ, đồng thuận, chấp hành chính sách di dân tái định cư của các hộ dân trong diện phải di dời.

Đặc biệt là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Bình và đồng bào trong khu vực dự án đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, đây là yếu tố rất quan trọng để đưa dự án về đích sớm hơn kế hoạch.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc quản lý vận hành nhà máy nhiệt điện, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy nhà máy để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho đất nước, đảm bảo an toàn môi trường; tuyệt đối không được để xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành nhà máy.

Về vấn đề đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát của chính quyền địa phương và người dân quanh vùng dự án, nhất là vấn đề bụi than, xỉ than.

Thủ tướng cũng cho biết, đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2 sau một thời gian tồn tại kéo dài để cụm nhiệt điện này, có công suất lên đến gần 2.000 MW, theo cam kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để khánh thành vào năm 2020, mà nay đã đạt 83% khối lượng công việc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng cao.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thực hiện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng dự khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình

Cũng trong sáng 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế 1.000 giường tại Thái Bình. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 122.000 m2 với thời gian dự kiến 5 năm. Giai đoạn 1 được xây dựng từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2022 với quy mô 500 giường bệnh; Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 2/2024 sẽ vận hành khai thác 500 giường bệnh, hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án.

Dự án được triển khai theo chủ trương xã hội hóa y tế, là dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Thái Bình nhiều năm nay.

Tọa lạc tại Khu Trung tâm Y tế tỉnh (phường Trần Lãm và xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình), dự  án có quy mô 12 ha, do Tập đoàn FLC đầu tư với tổng vốn hơn 3.700 tỷ đồng.

Dự án sẽ bao gồm 9 hạng mục chính, trong đó có khu nhà khám liên khoa; khu vực khoa truyền nhiễm và khoa chống truyền nhiễm; khu công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú; cây xanh cảnh quan…

Dự án được xây dựng với mục tiêu trở thành một bệnh viện đa khoa hạng I với số lượng 1.000 giường bệnh và các chuyên khoa sâu tương đương bệnh viện tuyến trung ương. Với quy mô này, đây là dự  án bệnh viện đa khoa lớn nhất tại tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh lân cận, đồng thời cũng là bệnh viện được xây theo mô hình bệnh viện - khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, cao cấp hàng đầu tại địa phương.

* Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình). Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tới thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Thái Bình và huyện Vũ Thư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên trong đoàn đã tới thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Trâm, phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình), mẹ liệt sỹ; ông Đỗ Duy Hải, khu Trung Hưng 1, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư), thương binh hạng 1/4.

Xuân Lan