Tâm và tầm của “Tư lệnh” ngành Ngân hàng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 10:42, 03/03/2015
Ông Bộ trưởng “liều mình” vì cái chung
Ở một nơi mà “lòng tự trọng”, “văn hóa từ chức”, “dám làm dám chịu”, “biết lo cho thiên hạ, nhận trách nhiệm về mình” còn là chuyện “xưa nay hiếm” thì mới hiểu vì sao việc người đứng đầu ngành ngân hàng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm về các sai phạm phát sinh từ hệ quả nhiều năm trước, được nhiều người dân, trước cảm thấy…”lạ”, sau lại thấy...”vui”!.
Nhiều người cho rằng, đó là hành động của một quan chức có máu “liều”, “không lo giữ ghế”. Thế nhưng, điểm lại chuỗi thời gian 4 năm đảm nhiệm chiếc ghế Bộ trưởng được xem là “nóng” nhất trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, mọi người mới nhìn nhận được cái sự “liều” của ông Thống đốc là có cơ sở logic, là tiên phong và bản lĩnh của một Tư lệnh ngành quan trọng. Và cái sự “liều” này nếu được hệ thống hóa lại trong toàn bộ giai đoạn 2011-2014 mới thấy rõ Thống đốc không hề “liều”, mà đây chính là sự dấn thân hành động với tính toán đầy chiến lược, vì cái chung.
Ngay vào thời điểm nhậm chức năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có hàng loạt các “phát ngôn gây sốc”, đánh thẳng vào các yếu điểm của hệ thống ngân hàng hiện tại cũng như những kết quả “khó tin” như “đưa lạm phát năm 2011 dưới 20%” (được HSBC dự báo vào khoảng 27% trong năm 2011 - PV), tiếp tục “giảm lạm phát còn một con số” trong năm 2012 cùng nhiều những tuyên bố “mạnh miệng” về tỷ giá, lãi suất tiền gửi trong thời điểm sau đó. Không ít người dân vào thời điểm đó tỏ ra hoài nghi vào những con số đầy “màu hồng” của Thống đốc đưa ra. Tuy nhiên, việc lạm phát giảm mạnh từ 18,3% (năm 2011) chỉ còn 6,8% trong năm 2012 thật sự là một lời khẳng định hùng hồn nhất cho các phát biểu trước đó của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Những tuyên bố “mạnh miệng” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đều đã được ông minh chứng không phải là những “lời nói suông” mà cụ thể qua những kết quả, số liệu ngày một khả quan của ngành Ngân hàng.
Để giải thích về những tuyên bố quá “thẳng thừng” của mình, Thống đốc tâm sự: “Thực sự trước đây tôi đã từng có thời gian công tác khá lâu trong ngành Ngân hàng, trải qua nhiều vị trí công tác. Khi chính thức đảm nhiệm vị trí Thống đốc, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm trước người dân. Cũng trong giai đoạn những năm 2011, khi tôi vừa nhậm chức thì ngành Ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn, sự lo lắng và bi quan về khủng hoảng kinh tế đã khiến tôi phải liên tục có nhiều quan điểm trước công chúng. Những quan điểm này chủ yếu nhằm khẳng định rằng NHNN hoàn toàn có thể tái thiết lập sự ổn định trong hệ thống tài chính, tái cấu trúc lại những bất ổn và ban hành các chính sách quản lý tiền tệ hiệu quả nhằm góp phần bình ổn nền kinh tế. Tôi đang rất cần người dân nghi ngờ tôi về những phát ngôn đó. Vì chỉ có những kết quả, số liệu qua từng năm mới có thể chứng minh được chính sách của NHNN là đúng đắn, sâu sát và đi vào lòng người”.
Thực vậy, nếu tính hết thời điểm các năm 2011, 2012, 2013 thì hầu hết các “phát ngôn gây sốc” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình nay đều đã trở thành hiện thực. Ví dụ, năm 2011, trong thời điểm thị trường ngoại tệ bấn loạn, Thống đốc tuyên bố sẽ điều chỉnh thị trường, kết quả cuối năm 2011 cho đến nay, thị trường đã thực sự ổn định bởi chính sách chống đôla hóa nền kinh tế phát huy tác dụng. Sang năm 2012, Thống đốc đăng đàn hứa về vấn đề bình ổn lãi suất và thị trường vàng… Sang giai đoạn đầu năm 2013 thì thực sự thị trường vàng vốn dĩ đầy “lộn xộn” - sau bao nhiêu năm trời như một “con ngựa bất kham” đã trở nên thuần dưỡng “hiền hòa”. Đến nay, tình trạng đầu cơ vàng, buôn lậu vàng và “vàng hóa” hầu như đã giảm thiểu đến mức đáng kể. Tương tự, hầu hết các phát ngôn khác của Thống đốc về điều chỉnh tỷ giá, kéo lùi lạm phát, xử lý nợ xấu đều đã phát huy tác dụng.
Còn nhớ vào năm 2014, cử tri cả nước quan tâm nhất chính là phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình về nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng. Đây là lần thứ 2 Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi mà bao sự nhiễu nhương, nhiều sai phạm của ngành Ngân hàng cứ liên tiếp xảy ra thì đừng hỏi vì sao người dân quan tâm đến thế. Hy vọng lẫn kỳ vọng ở từng lời nói của Thống đốc cũng giống như việc hàng triệu người hâm mộ dõi theo bước chân của các tuyển thủ U19 Việt Nam.
Thống đốc không ngần ngại dẫn lại vụ “siêu lừa” Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, vụ án “bầu” Kiên, đại án tham nhũng ALCII, sai phạm tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB)... Thường, những gì không tốt người ta giấu. Nhưng Thống đốc đã dám nhìn nhận, chỉ thẳng vào những sai phạm đó và khẳng định trách nhiệm xử lý thuộc về chính mình.
Phiên chất vấn cứ nóng dần lên khi câu chuyện về Chủ tịch và Tổng Giám đốc VNCB bị bắt đã được nhắc lại như điểm trừ cho hoạt động tái cơ cấu ngành Ngân hàng vốn có rất nhiều điểm sáng so với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Thống đốc thừa nhận có nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống. Khi đó, xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước. Ở VNCB, khi đi vào hoạt động, ngân hàng này mới bộc lộ các sai phạm và sai phạm này được phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước nên giảm thiểu hệ lụy. Hoạt động sai trái của cổ đông “cá mập” không diễn tại VNCB, mà thông qua hoạt động vay mượn ở nơi khác nên không gây xáo trộn hệ thống ngân hàng.
Rõ ràng, sai phạm không xảy ra ngay trong nội tại VNCB nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn “đọc được tình huống” nhờ quan tâm sâu sát và ngăn chặn kịp thời. Người ta nói, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Loại trừ một nguy cơ tốt gấp ngàn lần giải quyết hậu quả, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt điều đó.
Vậy, đáng ra phải gọi là “công” nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại thẳng thắng nhận trách nhiệm về mình. “Cũng như các vụ việc Huyền Như, bầu Kiên, Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp (ALCII)... sai phạm tại VNCB dù to nhỏ thế nào, diễn ra từ bao giờ đều thuộc trách nhiệm chúng tôi phải xử lý”, Thống đốc nhấn mạnh.
Cử tri mát lòng và kỳ vọng vào tương lai
Cử tri cả nước cảm thấy mát lòng khi nghe người đứng đầu ngành Ngân hàng nhận trách nhiệm. Giới doanh nghiệp lúc này đang rất trông chờ vào sự lắng nghe cũng như giải pháp của người đứng đầu ngành Ngân hàng về cơ chế cho vay tín chấp, yêu cầu tài sản đảm bảo trong các khoản vay để những ý tưởng kinh doanh tốt không bị tuột khỏi tầm tay vì thiếu vốn. Lãi suất cho vay xuống thấp để kích cầu sản xuất…. Và họ đã tin...
Việc sai phạm của một vài tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua là hệ quả tất yếu của cả quá trình quản lý cẩu thả và điều hành của chính các ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý chung, không thể cầm tay chỉ việc bởi vì các ngân hàng thương mại bản chất đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp đặc thù. Trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của ngân hàng không chỉ một mình Ngân hàng Nhà nước mà còn có cả một hệ thống cơ quan hữu quan chuyên trách, chính quyền địa phương, khối an ninh nội chính... Thống đốc với trăm công ngàn việc chỉ quản lý ở cấp vĩ mô. Nhưng như “trăm dâu đổ đầu tằm”, Thống đốc đã thay mặt cả một tập thể, hệ thống các ban ngành hữu quan để nhận trách nhiệm về mình. Đấy là hành động dũng cảm!
Lâu nay, một lời xin lỗi đã khó, huống chi thẳng thắn nhìn nhận sai sót trong quản lý thì lại càng hiếm. Không những thế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn đưa ra giải pháp, kế hoạch dài hạn để vực dậy hệ thống ngân hàng với các ông chủ nhà băng đầy quyền và thế lực. Với Thống đốc, lời nói luôn đi kèm với hành động, và ông đã bỏ qua tất cả sự nguy hiểm trong sinh mệnh chính trị của mình.