Nợ xấu: Tốc độ xử lý phải nhanh hơn tốc độ phát triển

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 13:02, 18/09/2014

Khó nhất trong xử lý hiện nay không phải là tổng nợ xấu mà là tốc độ xử lý phải nhanh hơn tốc độ phát triển. Trong giai đoạn kinh tế chưa khởi sắc, các giải pháp là tổng thể thị trường chứ không đơn thuần là mua bán nợ”.

Đó là ý kiến của ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong "Hội thảo Gateway to Vietnam 2014 - Tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam" do CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức vào tuần qua. 

 

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo "Gateway to Vietnam 2014 - Tìm kiếm những cơ hội

đầu tư mới tại Việt Nam".

 

Nợ xấu hiện đang là một vấn đề lớn được giới ngân hàng quan tâm nhất bởi nợ xấu hiện đang là một “con sâu” gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như sự tăng trưởng của ngân hàng, ăn mòn nguồn thu nhập, thậm chí là nguồn vốn chủ sở hữu nhà băng. Do đó, việc thảo luận và cùng đưa ra giải pháp để loại bỏ nợ xấu ra khỏi nền kinh tế luôn là vấn đề hàng đầu các ngân hàng đang từng ngày mong muốn loại bỏ, tuy nhiên, cuộc chiến với nợ xấu có lẽ sẽ rất dài và gay go.

 

Cùng thảo luận về giải pháp đẩy lùi nợ xấu, tại hội thảo, ông Trần Du Lịch cho biết: “Khó nhất trong xử lý hiện nay không phải là tổng nợ xấu mà là tốc độ xử lý phải nhanh hơn tốc độ phát triển. Trong giai đoạn kinh tế chưa khởi sắc, các giải pháp là tổng thể thị trường chứ không đơn thuần là mua bán nợ”. Bên cạnh đó, ông Trần Du Lịch còn cho biết, hiện nay các giải pháp tập trung 4 nhóm: Thứ nhất, cần khai thông thị trường, sửa Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản; thứ 2, khai thông cho người mua nhà ở để kích cung, phải đầu tư vào bất động sản, tăng sức cầu khai thông thị trường này, sửa Luật đầu tư, doanh nghiệp khai thông quyền kinh doanh; thứ 3, tập trung hướng dẫn xử lý thủ tục hành chính, tư pháp về vấn đề bán nợ, cộng với giải pháp đồng bộ khác, đẩy mạnh tốc độ xử lý nợ xấu.

 

Hiện nay, việc ra đời Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có thể coi là một trong những giải pháp hữu ích giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu và phần nào tái cơ cấu lại hoạt động. Tuy nhiên, có thể thấy được việc xử lý nợ xấu của VAMC khá tốt nhưng so với thực tại thì vẫn chưa đủ.

 

Tại hội thảo, ông Darryl James Dong, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khẳng định: “VAMC là khởi đầu tốt nhưng vẫn chưa đủ, chúng ta cần những bước đi cụ thể và hướng đi rõ ràng; có những chỉnh sửa hợp lý và cần hỗ trợ cho các công ty trong nước. Ông ví những tổ chức nước ngoài vào giải quyết nợ xấu ở Việt Nam giống như những con kền kền, vào rồi lại ra”. 

 

Ngoài ra, với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài, ông Darryl cho rằng: “Chúng ta cần có những chính sách, luật để người nước ngoài thấy sự ổn thỏa, “muốn vào” để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, theo tôi thấy thì Việt Nam vẫn chưa có quy trình hạ tỉ lệ nợ xấu, quy định về việc người nước ngoài có thể thu được tài sản nếu nợ xấu bị cấn nợ, hiện thời Việt Nam cần giải quyết nhiều vấn đề về quy định, quy trình rõ ràng để thẩm định rủi ro, bán khoản nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Xuân Thi