Gia đình Trầm Bê phạm luật kéo dài?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:41, 07/08/2014
Hiện gia đình Trầm Bê 3 lần vi phạm Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 16.6.2010, có hiệu lực từ 1.1.2011. Theo đó, có 2 cá nhân có tỷ lệ sở hữu vượt quá 5% tại một tổ chức tín dụng; cá nhân và các thành viên liên quan có tỷ lệ sở hữu tại một tổ chức tín dụng quá 20%. Việc sở hữu vượt rào tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) của ông Trầm Bê và gia đình là chuyện được bàn ra tán vào đã lâu. Vậy tại sao không ai xử lý?
Cổ đông lớn tại hai ngân hàng
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Phương Nam công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, gia đình đại gia ngân hàng Trầm Bê vẫn tiếp tục nắm giữ 20,81% cổ phần tại ngân hàng này.
Ông Trầm Bê là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ tới 8,36% cổ phần. Tuy vậy, ông Trầm Bê không nắm giữ chức vụ nào tại Southern Bank. Người có tiếng nói lớn nhất trong gia đình, ông Trầm Trọng Ngân - anh cả, giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị với số cổ phần sở hữu là 4,42%. Em gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 7,36% vốn Southern Bank.
Ngoài 3 cổ đông lớn kể trên, một số người trong gia đình họ Trầm cũng sở hữu lượng cổ phiếu không nhỏ tại Southern Bank. Ông Lê Trọng Trí - chồng bà Trầm Thuyết Kiều đang giữ 0,67% vốn Sounthern Bank. Như vậy, chiếu theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, gia đình ông Trầm Bê đã 3 lần vi phạm. Ông Trầm Bê vượt sở hữu 3,36%, còn con gái Trầm Thuyết Kiều vượt sở hữu 2,36%. Gia đình ông Trầm Bê sở hữu 20,81%, vượt 0,81% so với quy định.
Không nắm giữ chức vụ nào tại Southern Bank nhưng cùng với con thứ Trầm Khải Hòa, ông Trầm Bê là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hai người con là Trầm Trọng Ngân và Trầm Thuyết Kiều nằm trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Southern Bank.
Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2014 của Sacombank, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Trầm Bê có tổng cộng 6,78% cổ phần Sacombank. Trong đó ông Trầm Bê nắm giữ lượng cổ phiếu “khiêm tốn” 1,84 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,15% vốn điều lệ.
Trong họ Trầm, ông Trầm Trọng Ngân là người sở hữu nhiều cổ phiếu STB nhất khi nắm giữ 54,72% triệu cổ phiếu, tương đương 4,4% với STB. Một người con trai khác là Trầm Khải Hòa giữ hơn 24 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,93%. Con gái Trầm Thuyết Kiều giữ gần 3,6 triệu cổ phiếu chiếm tỷ lệ 0,3% vốn.
Ông Trầm Bê và các con. Từ trái qua phải: Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa.
Kế hoạch dài hơi
Không phải tự nhiên mà báo giới tôn ông Trầm Bê như một đại gia nhìn xa trông rộng. “Nước cờ” giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân và gia đình có lẽ đã được ông Trầm Bê tính toán từ năm 2012.
Điều cốt lõi là Sacombank và Southern Bank có điểm tương đồng về chủ sở hữu. Ông Trầm Bê và gia đình đang là cổ đông lớn chi phối tới 21% Southern Bank, giữ nhiều chức vụ quan trọng nhất tại đây. Trong khi tại Sacombank, nhóm cổ đông này cũng đang nắm giữ khoảng 6,7%, chưa kể tới khả năng tỷ lệ có thể còn lớn hơn rất nhiều thông qua hình thức nhờ người khác đứng tên cổ phiếu.
“Nước cờ” giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân và gia đình có lẽ đã được ông Trầm Bê tính toán từ năm 2012, khi “bắt tay” với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gây áp lực buộc ông Đặng Văn Thành “dâng” Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - cơ nghiệp cả đời cho Eximbank và Southern Bank.
Được biết tổng số vốn của Sacombank khoảng trên 12.000 tỉ đồng, Southern Bank 4.000 tỉ đồng. Về luật, sau khi hợp nhất 2 ngân hàng lại chắc chắn tổng số vốn nắm giữ tại ngân hàng mới của gia đình ông Trầm Bê sẽ không còn lo ngại vượt trần (trên 20%) như trước. Với từng nước cờ thâu tóm Sacombank, khi Sacombank và Southern Bank về một mối, tự khắc tỷ lệ sở hữu cá nhân và gia đình ông sẽ giảm về đúng theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, thế lực lại không hề giảm đi và sẽ còn mạnh hơn khi quyền lực về một mối.
Không những thoát án phạt sở hữu cổ phần vượt trần, việc sáp nhập ngân hàng sẽ đưa đại gia 55 tuổi này lên hàng những ông trùm tài chính lớn nhất Việt Nam.
Có xử lý sai phạm hay không?
Điều 55, Khoản 2 của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 16/6/2010, có hiệu lực ngày 1/1/2011, quy định: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Điều 55, Khoản 3 Luật này cũng quy định: Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Về vấn đề này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sỹ Kiêm từng nêu quan điểm, việc gia đình ông Trầm Bê hiện đang nắm giữ hơn 20% vốn tại ngân hàng, chiếu theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, cổ đông và những người liên quan không được sở hữu vượt 20% vốn của các tổ chức tín dụng là vi phạm pháp luật.
Chủ trương tìm một ngân hàng nhỏ sáp nhập, nhằm tái cơ cấu lại ngân hàng đã có từ năm 2013. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng: “Dù tính toán thế nào nhưng trước khi việc sáp nhập hoàn thành theo ý kiến của nguyên Thống đốc NHNN - TS Cao Sỹ Kiêm đã nói gia đình ông Trầm Bê vi phạm luật thì sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật”.
Cũng đồng quan điểm với ý kiến đó, TS Nguyễn Chí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập cho rằng, qua diễn biến của vụ việc có thể thấy, hiện nay trong văn bản pháp luật còn thiếu quy định về việc một cổ đông hay những người liên quan cổ đông đó đến được phép sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần tại các ngân hàng. Hiện mới chỉ đưa ra những quy định một cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt 20% vốn của các tổ chức tín dụng.
“Việc quyết định một cá nhân được phép nắm giữ bao nhiêu phần trăm số cổ phần tại một ngân hàng do NHNN quyết định cũng như cơ quan quản lý nhà nước khác đưa ra. Điều này đặc biệt quan trọng khi hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang có nhiều lo lắng liên quan đến sở hữu chéo, lo lắng một cá nhân sẽ thao túng tài chính khi sở hữu quá nhiều cổ phiếu tại một ngân hàng”, TS Hiếu cho biết.
Ông Cao Sỹ Kiêm đề xuất, NHNN buộc phải vào cuộc, đặc biệt là Tổ chức quản lý tín dụng, thanh tra phải xác minh có thể điều chỉnh cổ phần cho các cổ đông khác hoặc bán lại cho cổ đông khác.