Phố thị hay trại lính?

Chính trị - Ngày đăng : 09:09, 25/05/2012

Thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), chắc chắn là nơi duy nhất ở Việt Nam có quy định đám cưới chỉ được tổ chức vào 2 ngày mồng 2 hoặc 16 âm lịch hằng tháng.

Những người soạn ra cái “hương ước tân thời” này áp đặt luôn việc chọn ngày thành hôn giùm người dân. Theo quy định hành chính này thì chỉ riêng tháng 9, 10, 11 tức là các tháng "mùa cưới ” thì linh động được thêm 2 ngày nữa, là ngày 10 và 22 âm lịch, nghe nói để hạn chế tổ chức trùng nhau.

Dân ở đây cho biết, các quan thị trấn đã "chế tạo" ra lệ này ngay sau khi xã Minh Tân được "lên đời” thành thị trấn Yên Lạc cách đây 15 năm. Yên Lạc có nghề mộc truyền thống, kinh tế khấm khá nên cưới hỏi quanh năm. Ăn cưới trở thành gánh nặng tiền nong và thời giờ của nhiều gia đình. Không ít gia đình phải bỏ bê việc nhà để đi ăn cưới. Vậy nên người ta bàn cách áp đặt cách cưới cải tiến theo một quy định nghiêm khắc nhằm cách mạng việc cưới hỏi. Đã là lệ làng thì phải theo, không oong đơ gì hết! Ngoài quy định ngày thành hôn, người ta còn cấm cô dâu mặc “quần không đáy” mà chỉ được mặc áo dài. Lại nữa, họ còn cấm không được làm sân khấu, dựng cổng chào, không hát xướng, không được chơi nhạc sống, không dùng đèn nhấp nháy. Không thấy quy định được làm bao nhiêu mâm cỗ trong hương ước này. Quy định áp dụng nội bộ trong thị trấn, kể cả nhà gái ở nơi khác về làm dâu thị trấn. Xuất giá tòng phu mà! Chỉ các cô gái lấy chồng xa mới thuộc diện miễn trừ.

Phố thị hay trại lính?

Một đám cưới tập thể giản dị nhưng không kém phần long trọng tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Riêng quy định quá "hà khắc” khi không cho cô dâu mặc váy cưới thì bị phản ứng ngay lập tức. Không chỉ các cô tranh đấu mà các chàng rể, các bậc phụ huynh cũng tranh đấu, chính quyền mới nới lỏng quy định cho cô dâu được mặc váy cưới.

Tuy nhiên khi được hỏi thì mới biết, quy định cắc cớ này cũng nảy sinh nhiều bất cập. Hóa ra chỉ gia chủ và các cô dâu chú rể là người trong cuộc mới thấy bất tiện. Lễ cưới của nhiều cô cậu này lại rơi vào thứ Hai và thứ Ba nên ít khách thành ra kém vui.

Vậy mà ông quan thị trấn Phạm Văn Luân luôn tự hào rằng từ khi áp dụng quy ước, thị trấn chúng tôi chưa có đám nào dám "xé rào". Bà con nhất nhất làm theo. Mà đám nào cũng suôn sẻ cả. Trở lại chuyện cởi mở hơn khi cho cô dâu mặc váy, ông Luân nói: “Quy ước cũng phải theo kịp với đời sống, ngày xưa dân chúng tôi quan niệm cô dâu nông thôn cưới xong thì đi ra đồng ngay, cần gì mặc áo cưới. Khi đến Ủy ban thị trấn đăng ký kết hôn, cô dâu, chú rể đều được nhắc lại quy ước của thị trấn và cũng phải cam đoan không vi phạm. Người dân bị “tự nguyện” thực hiện mãi cũng thành quen, nên không ai dám phản biện.

Không biết rằng dưới góc nhìn của Bộ Tư pháp, quy định bằng văn bản của thị trấn Yên Lạc có trái với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Nếu sai xin tuýt còi kẻo “phép vua thua lệ làng” mãi! Còn các chuyên gia văn hóa, có người bảo chào thua “lệ làng tân thời” này! Họ biến làng xã thành trại lính mà dân không thể phản biện và vẫn phải theo lệnh quan!  

Bảo Dân