Doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém: Báo động nợ công

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:38, 03/08/2012

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế, lại ở vị thế có thể tiếp cận các nguồn vốn một cách dễ dàng, đặc biệt là được Chính phủ bảo lãnh bằng cách này hay cách khác, nên khu vực này có xu hướng vay nợ nhiều.

Đáng nói là trong trường hợp DNNN khó khăn “được phép” phá sản thì gánh nợ của khu vực này sẽ đe dọa trực tiếp tới nợ công.

Đây là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo mới đây do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện.   

 

Theo báo cáo, với mức dư nợ tín dụng của DNNN ước tính ở mức 55%-60% GDP năm 2009 thì phần dư nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh trên danh nghĩa chỉ mới chiếm khoảng 4,2%-6,9% tổng dư nợ của khu vực này. Đây là mức mà khu vực này hoàn toàn có thể hoàn trả được ngay cả khi nợ xấu của khu vực này ở mức rất cao. Tuy nhiên, khả năng đe dọa nợ công của khu vực DNNN lại ở chỗ khu vực này luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ.   

 

Thực tế cho thấy, khá nhiều công ty nhà nước lâm vào tình trạng phá sản được Nhà nước hỗ trợ tối đa với các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ... Dù cho số lượng DNNN được Nhà nước hỗ trợ đã giảm, song mức hỗ trợ lại tăng lên nhiều lần. Riêng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) có dư nợ đã lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng nhưng không thể tự cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, với các hình thức hỗ trợ như chuyển nợ (cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác), giãn nợ (bảo lãnh của Nhà nước trước các ngân hàng) và bổ sung vốn (tăng vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng lên 14.655 tỉ đồng), Vinashin vẫn đang tiếp tục tồn tại.

 

Tất cả các hình hình thức ngân sách “mềm” này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng. Với việc ngân sách nhà nước liên tục bội chi thì để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, Nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ gia tăng.  

 

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém: Báo động nợ công

Đóng tàu ở Vinashin (Ảnh: HS)

 

Mặc dù trên bình diện pháp lý, tất cả các DNNN hoạt động bình đẳng như nhau và như các DN thuộc các khu vực kinh tế khác, nhưng trên thực tế một số DNNN lớn đang được hưởng những lợi thế đáng kể trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại, tín dụng nhà nước và các nguồn lực khác. 

 

Theo Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 thì dư nợ của 85/96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin) đến cuối 2010 là 1.044.292 tỉ đồng, bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ đồng, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009 (tức khoảng 898,85 nghìn tỉ đồng). Còn theo Đề án tái cơ cấu DNNN (2012), nợ tín dụng của riêng 12 tập đoàn kinh tế nhà nước vào khoảng 218,7 nghìn tỉ đồng, tương đương với 8,76% tổng nợ tín dụng của toàn bộ ngành ngân hàng, tức khoảng 52,66% tổng dư nợ tín dụng của cả khu vực DNNN vào tháng 9-2011.

 

Ngoài ra, nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến nợ công của các DNNN còn ở các khoản nợ ngân hàng phát triển, nợ các ngân hàng thương mại (NHTM), hoặc nợ chéo nhau của các tập đoàn, tổng công ty DNNN lớn. Với trường hợp này tuy không thuộc diện bảo lãnh nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những tập đoàn, tổng công ty này làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn.  

 

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng mối quan hệ gián tiếp gần nhất là các khoản vay ưu đãi của các DNNN từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).  Nguồn vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Đây là các khoản vay mà Chính phủ đảm bảo sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ, hay nói cách khác đó chính là các khoản nợ công. Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các DNNN vay ưu đãi để đầu tư. Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc VDB cho biết, nợ của các tập đoàn, tổng công ty… chiếm khoảng 75-80% tổng dư nợ của VDB. Trong năm 2009, lượng tín dụng mà khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh gián tiếp thông qua VDB khoảng 130-150.000 tỉ đồng. Như vậy, phần dư nợ của khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp lên tới 20-25% tổng dư nợ của khu vực này. Với tình hình kinh doanh kém hiệu quả như những năm gần đây, nợ xấu của các DNNN tại VDB sẽ tăng lên và sẻ ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản vay của VDB từ phát hành giấy tờ có giá cũng như nguồn vốn ODA.

 

Bên cạnh đó, với các khoản vay nợ của khu vực DNNN tại các NHTM thì trong trường hợp khó khăn Nhà nước vẫn phải đứng ra thu xếp hoàn trả. Chẳng hạn, hình thức khoanh nợ (như nợ của Vinashin tại các NHTM) thì cuối cùng Chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước dưới hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỉ lên 14.655 tỉ đồng) thì đó vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước.   

 

Như vậy, nếu xét đến cả các tác động gián tiếp, thì tín dụng của khu vực DNNN đang nổi lên như là một mối đe doạ đối với nợ công của Việt Nam. Với việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả khu vực DNNN rất dễ rơi vào hoàn cảnh thua lỗ như Vinashin, EVN và Vinalines như trong thời gian vừa qua. Một khi kinh doanh thua lỗ, các DN này sẽ không thể trả nợ đúng hạn được cho các NHTM, cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, và cho các trái chủ nước ngoài. Do hầu hết các DNNN đều thuộc diện “quá lớn để phá sản” nên các khoản nợ xấu này cuối cùng sẽ phải do ngân sách nhà nước gánh trả và có thể đe doạ sự an toàn của nợ công trong tương lai. 

 

Bức tranh toàn cảnh trên cùng những số liệu biết nói khiến những ai quan tâm không khỏi giật mình và lo lắng. Nhưng dường như để giải quyết vấn đề thì vẫn lại là một bài toán khó! 

 

Quốc Huy