Bộ Công Thương: Bán hàng qua mạng bị phạt là thông tin không chính xác
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:24, 10/04/2020
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, tuy nhiên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế bị vẫn đang bị tác động, ảnh hưởng xấu. Với tâm lý tránh tiếp xúc gần với tác nhân gây bệnh trong thời điểm dịch bệnh, người dân có xu hướng lựa chọn sử dụng phương thức trực tuyến để đặt hàng thay vì mua hàng tại điểm bán truyền thống, điều này trực tiếp tác động đến xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử so với các thời điểm trước đó.
Kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người
Tuy nhiên, mới đây, trên các mạng xã hội xuất hiện thông tin, tin đồn thất thiệt cho rằng từ ngày 2/4/2020, người bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện. Thông tin trên đã gây ra sự hoang mang, lo lắng đối với những người kinh doanh hình thức online cũng như chuyển đổi kinh doanh từ phục vụ tại chỗ sang bán cho khách mang đi.
"Thông tin trên là không chính xác và hiểu sai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg là hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết nhằm hạn chế việc lây lan virus ra cộng đồng (việc này chưa phải phong tỏa quốc gia như một số đất nước đã làm). Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định.
Trước đó, tại buổi họp ngày 7/03/2020 về việc tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly. Một trong những giải pháp đó là cần tạo điều kiện hỗ trợ và ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và các nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm nhằm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.
Do vậy, Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, loại hình kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người cần tiếp tục được khuyến khích. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia vào hoạt đông bán hàng trực tuyến, các nhà máy, phân xưởng sản xuất/đóng gói, các đơn vị giao hàng, v.v…cũng phải đảm bảo an toàn về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho các cán bộ công nhân viên, đảm bảo vấn đề an toàn về đeo khẩu trang, khử trùng, v.v… tránh để xảy ra dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đang có tác động tích cực đến lĩnh vực mua sắm qua kênh thương mại điện tử của người Việt. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo ghi nhận của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki hay Shopee cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước đây. Nhiều siêu thị, các cơ sở kinh doanh như cửa hàng, quán ăn… cũng ngưng phục vụ tại chỗ và đẩy mạnh tiếp thị bán hàng online qua kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo… Chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại, khách hàng có thể mua bất cứ mặt hàng nào.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sự tăng trưởng nhất thời trong dịch bệnh do người tiêu dùng hạn chế mua trực tiếp để tránh sự lây lan của dịch bệnh. Ngay cả những doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận khó có thể đưa ra dự đoán chính xác trong việc xác định tốc độ tăng trưởng này có được duy trì sau mùa dịch hay không. Mặc dù vậy, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy thói quen mua sắm của người Việt đang dần thay đổi, thích ứng với xu hướng của thế giới.