Sản xuất khẩu trang cam kết không tăng giá để phục vụ phòng chống virus corona
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:49, 04/02/2020
Theo Bộ Công Thương, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang 3 lớp tại Việt Nam với năng lực trên 1,24 triệu chiếc/ngày, 2 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang N95 với năng suất 32.000 chiếc/ngày, năng suất này có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tại buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ Công Thương với một số DN diễn ra mới đây, ông Trần Việt, Tổng Giám đốc công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết công ty có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này. Do vậy, khẩu trang của Công ty được làm bằng vải dệt kim kháng khuẩn, khác với khẩu trang y tế làm bằng vải không dệt.
Năng lực sản xuất khẩu trang hiện tại của công ty Dệt kim Đông Xuân đạt 50.000 chiếc/ngày. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày nếu có sự hợp tác của các doanh nghiệp may khác cùng vào cuộc, nhận vải về may.
Bộ Công Thương cho biết các DN sản xuất khẩu trang cam kết không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch.
Tại Công ty Babu, đoàn công tác ghi nhận đơn vị đang gấp rút mở rộng số chuyền để có thể sản xuất khẩu trang đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất thời trang trẻ em, trong đó có khẩu trang. Sản phẩm của công ty có đặc điểm là làm từ sợi tre nên không chỉ có tính thân thiện với môi trường mà còn đảm bảo khả năng kháng khuẩn lâu dài.
Tại một số doanh nghiệp khác, đoàn công tác cũng đã nhận được sự hợp tác tích cực trong việc cung cấp thông tin về năng lực sản xuất mặt hàng khẩu trang. Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải, để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nhiều tỉnh thành phố xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang. Tại Hà Nội nhiều cơ sở treo biển “không còn khẩu trang để bán” do nguồn cung mặt hàng khẩu trang. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong ngày 3/2 cũng ghi nhận hầu hết các nhà thuốc, các điểm kinh doanh dụng cụ y tế đã không còn mặt hàng khẩu trang để bán.
Ngoài hai thành phố lớn, tại nhiều tỉnh thành phố cũng đã xảy ra hiện tượng khan hàng và có biến động giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Để đảm bảo cho sản xuất mặt hàng khẩu trang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Công nghiệp rà soát nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang tại các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất tránh làm gián đoạn các hoạt động sản xuất cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho việc phòng, chống dịch bệnh.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các đơn vị sản xuất trong nước tăng cường sản xuất các dụng cụ sản phẩm y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch, không để thiếu trang thiết bị phục vụ nhân dân; Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ các các đoàn kiểm tra về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, khẩu trang không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao; có văn bản khẩn chỉ đạo các Cục quản lý thị trường địa phương tổ chức kiểm tra, nếu có hiện tượng trục lợi phải xử lý ngay.