Ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan bệnh dịch dịp Tết

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:36, 20/01/2020

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị đảm bảo phương tiện phục vụ nhân dân đi lại; đồng thời tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan bệnh dịch trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không.

Trong giai đoạn cao điểm trước và sau tết Nguyên đán này, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị đảm bảo phương tiện phục vụ nhân dân đi lại; đồng thời tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan bệnh dịch trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không.

Các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo; Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm giữ gìn trật tự, an ninh trong hoạt động vận tải tại khu vực bến tàu, bến xe, cảng hàng không, khu vực trường học; bảo đảm an ninh, trật tự trên phương tiện trong quá trình hoạt động; phòng chống cháy nổ, phòng chống khủng bố, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan bệnh dịch dịp Tết

Ảnh minh họa

Các đơn vị kinh doanh vận tải như: bến xe khách, bến xe hàng, các cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt thông tin, tuyên truyền cho các đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách biết về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển hàng hóa trái phép, không rõ nguồn gốc; Triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện những đơn vị vận tải, phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nhận vận chuyển hoặc hành khách mang theo hàng hóa có dấu hiệu buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại...

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn như: Công an, biên phòng, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, kiểm dịch để kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định; kiên quyết không cho những phương tiện, hàng hóa, hành khách mang theo hàng hóa có dấu hiệu buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được ra khỏi bến, cảng và nhà ga; Yêu cầu các đơn vị, cá nhân thực hiện công việc xếp, dỡ hàng hóa tại bến theo quy định tại các văn bản quản lý của nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy nội địa; thông báo ngay cho đơn vị quản lý bến, cảng và nhà ga hoặc các đơn vị chức năng khác khi phát hiện những hàng hóa có dấu hiệu buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về việc không vận chuyển hàng hóa hoặc nhận chở những hành khách mang theo hàng hóa lên xe có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt chú ý các mặt hàng như: xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia và động vật hoang dã, quý hiếm; hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất. Phổ biến, quán triệt và yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cam kết không chở hành khách mang theo hàng hóa hoặc vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, hàng lậu và gian lận thương mại.

Các đơn vị chức năng của ngành đã phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trên tuyến đường bộ, được sắt, đường thủy và hàng không, đã kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm trong lĩnh vực đường sắt, hàng không, đường bộ và đường thủy trong thời gian qua.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không, hãng hàng không và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cảng vụ hàng không thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của cán bộ, nhân viên cũng như của hành khách đi tàu bay.

Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam và các đơn vị trực thuộc  đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; Chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt tăng cường kiểm tra tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt theo thẩm quyền; Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các lực lượng chức năng khác để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giám sát hoạt động của các đơn vị nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của cán bộ, nhân viên cũng như của hành khách đi tàu.

Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không cơ bản đã kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có lập kế hoạch triển khai, phát động các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

PV