Đẩy mạnh giám định điện tử chi phí KCB BHYT
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 06:55, 28/12/2019
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,185 triệu người; BHXH tự nguyện là 551 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 15,068 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,343 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Với gần 90% người dân tham gia BHYT, hơn 15 triệu người tham gia BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở KCB BHYT. Ảnh minh họa
Trước yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và thực tế đòi hỏi của quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT - trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, mục tiêu hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH đã trở thành quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam với mong muốn đổi mới, phát triển toàn diện, công khai minh bạch và đem lại sự hài lòng của người dân.
Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu: giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT được trang bị đầy đủ và vận hành hiệu quả.
Thông tin cụ thể về ứng dụng CNTT trong giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT, BHXH Việt Nam cho biết hiện Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc.
Hệ thống thông tin giám định BHYT đã mang lại hiệu quả lớn trong quản lý KCB, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách (nếu như trước đây làm thủ công, chỉ có thể kiểm tra khoảng 10 - 20% hồ sơ, nhưng khi có hệ thống giám định điện tử có thể kiểm tra tự động 100% các hồ sơ yêu cầu thanh toán theo các quy tắc giám định, theo dõi phát hiện được tình trạng lạm dụng thẻ BHYT, chỉ định quá mức cần thiết; ứng dụng phần mềm cũng giúp bác sĩ kiểm tra quá trình KCB của bệnh nhân; chia sẻ thông tin, theo dõi diễn biến bệnh tật, kết quả xét nghiệm, các thuốc được chỉ định điều trị... đặc biệt giúp theo dõi kịp thời tình hình chi KCB, sử dụng nguồn kinh phí được giao, những phát sinh chưa hợp lý để kịp thời điều chỉnh).
Để đảm bảo quyền lợi KCB BHYT, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định BHYT, giám sát chi phí KCB BHYT, phát hiện kịp thời các gia tăng bất thường chi phí KCB BHYT trên toàn quốc; phân tích tình hình chi KCB để các cơ sở y tế chủ động kiểm soát, điều chỉnh chi hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng quỹ KCB BHYT; bổ sung thêm các chức năng, tối đa hóa các tiện ích phục vụ việc khai thác, quản lý chi KCB BHYT và giám định BHYT; phân tích dữ liệu, thường xuyên cảnh báo đối với các tỉnh có chi phí KCB BHYT bất thường trên hệ thống.
Nhằm đảm bảo việc cung ứng thuốc điều trị KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã tham gia Tổ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các bệnh viện Trung ương thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành và tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu tại Trung tâm Mua sắm quốc gia (Bộ Y tế) để đánh giá và thẩm định hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết thỏa thuận khung với các nhà thầu cung cấp thuốc năm 2019-2020 thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức. Đồng thời, Ngành đã cập nhật dữ liệu kết quả đấu thầu vật tư y tế lên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam; thực hiện điều tiết thuốc trúng thầu quốc gia theo đề nghị của Trung tâm mua sắm - Bộ Y tế.