Sau vụ Cocobay vỡ cam kết: Đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho condotel
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 13:43, 05/12/2019
Lợi nhuận condotel tối đa chỉ bằng lãi suất gửi tiết kiệm
Thị trường bất động sản cuối năm 2019 “nóng” khi chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng phát đi thông báo tuyên bố chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết như trong hợp đồng mua bán condotel tại dự án này . Phía chủ đầu tư sẽ chỉ chịu trách nhiệm chi trả lợi nhuận đến hết ngày 31/12 năm nay cho các chủ sở hữu condotel.
Cocobay Đà Nẵng là dự án condotel đầu tiên trên thị trường có chủ đầu tư không thể thực hiện cam kết lợi nhuận như trong hợp đồng mua bán với khách hàng. Được biết, mức lợi nhuận mà chủ đầu tư dự án này cam kết là 12% và lợi nhuận cũng chính là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư rót tiền vào dòng sản phẩm condotel. Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 12 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng đã đánh giá mức cam kết lợi nhuận chi trả cho condotel 12-15% một năm là quá vô lý. Theo ông Hùng, lợi nhuận condotel tối đa chỉ bằng lãi suất gửi tiết kiệm.
Một góc dự án Cocobay Đà Nẵng
Condotel - căn hộ du lịch phát triển từ năm 2015, cao trào vào năm 2016-2017, và bắt đầu giảm nhiệt từ 2018 đến nay. Tổng số căn hộ condotel hiện nay trên thị trường khoảng 30.000 căn hộ. Năm 2019, dự án condotel được cấp phép giảm 8%, số giao dịch đã giảm một nửa so với thời kỳ nở rộ. Và sự việc Cocobay Đà Nẵng đang được xem là sự cảnh báo đối với các chủ đầu tư, “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp” tại các dự án condotel khác. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, condotel phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ ngành, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Luật Dân sự có liên quan đến condotel. HoREA nhìn nhận trong hơn 10 năm qua, loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới, như condotel, hometel, homestay kết nối thông qua ứng dụng airbnb làm thay đổi diện mạo du lịch của cả nước và nhiều địa phương. Tuy nhiên, “cơn sốt” đầu tư kinh doanh các dự án condotel sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, cần phải được chấn chỉnh để phát triển bền vững.
Kiến nghị hàng loạt biện pháp quản lý
Cụ thể, trong Luật Đất đai, HoREA kiến nghị quy định đất du lịch chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch, không được tùy tiện biến thành đất ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực, có thể dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch du lịch và tác động tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tiếp tục áp dụng chế độ sử dụng đất du lịch có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm), trong đó có đất dùng để phát triển condotel. Trên cơ sở đó, người mua condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án. Khi hết hạn sử dụng đất thì được gia hạn nếu có nhu cầu theo quy định của pháp luật đất đai.
HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định phương thức tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hợp lý đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, lưu ý đặc điểm các dự án du lịch nghỉ dưỡng (không có bán căn hộ condotel) thì thời gian hoàn vốn rất dài, thường trên dưới 20 năm.
Liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dân sự, HoREA đề nghị bổ sung quy phạm pháp luật mới quy định các hành vi có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Trong đó, quy định giá trị đặt cọc không quá 5%-10% giá trị hợp đồng.
Đồng thời, HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định phương thức tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hợp lý đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, lưu ý đặc điểm các dự án du lịch nghỉ dưỡng (không có bán căn hộ condotel) thì thời gian hoàn vốn rất dài, thường trên dưới 20 năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trong tháng 12 sẽ hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về condotel, theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng. Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy chế vận hành condotel; Bộ Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho condotel. Bộ Xây dựng cũng sẽ ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp condotel trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm người bán, người mua... tạo hành lang pháp lý cho condotel.