Tạo hành lang pháp lý để xử lý doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực BHXH

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 08:00, 30/11/2019

Nghị quyết 05 của Hội đồng Thẩm phán không những góp phần đưa Bộ Luật hình sự vào thực tiễn mà còn nâng cao tính răn đe và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo công bố của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2019, tổng số người tham gia BHXH là 15,414 triệu người, tăng 181 nghìn người so với tháng 9/2019 và tăng 690 nghìn người so với tháng 12 năm 2018; đạt 98,9% so với kế hoạch Chính phủ giao và đạt 97,6% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Kết quả trên là sự nỗ lực của ngành BHXH trong việc phát triển đối tượng BHXH, BHYT, cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ để “tăng thu” “giảm nợ” BHXH, BHYT.

Cùng với những nỗ lực của BHXH, việc TANDTC công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động trong Bộ luật Hình sự được nhìn nhận là hành lang pháp lý để xử lý doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Tạo hành lang pháp lý để xử lý doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực BHXH

Tính đến hết ngày 31/10/2019, tổng số người tham gia BHXH là 15,414 triệu người. Ảnh minh họa

Theo ông Phạm Văn Mến, Giám đốc BHXH Thành phố Hồ Chí Minh, việc ra đời nghị quyết này được đánh giá cao, không những góp phần đưa BLHS vào thực tiễn mà còn nâng cao tính răn đe và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, nghị quyết có tác động rất lớn trong việc xử lý các hành vi  gian lận BHXH, BHYT, BHTN, xử lý doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động nợ BHXH.

Cụ thể, nghị quyết tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, buộc chủ sử dụng lao động chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người lao động được hưởng quyền lợi theo đúng quy định.

Ngay sau khi Nghị quyết 05 được công bố, BHXH cũng như Công đoàn các cấp đã triển khai phổ biến nội dung Nghị Quyết số 05/2019/NQ-HĐTP nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành vi trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Như tại Bà Rịa Vũng Tàu, Hội nghị phổ biến Nghị Quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đối thoại doanh nghiệp năm 2019 đã được Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh tổ chức, qua đó cung cấp những thông tin cần thiết giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và Luật Công đoàn đảm bảo quyền lợi cho người lao động và an sinh xã hội.

Tại Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cũng đã phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đến gần 200 đại biểu là nhân sự làm công tác BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Biên Hòa, cán bộ quản lý và viên chức một số phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự về các hành vi tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Tại Hà Nội, Giám đốc BHXH Thành phố Nguyễn Đức Hòa yêu cầu lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Điều 215 của Bộ Luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng xử lý tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới toàn thể cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện. 

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cũng đề nghị các bệnh viện nghiêm túc tự kiểm tra, rà soát việc chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng và các dịch vụ y tế, tiết giảm chi phí không cần thiết, nhất là các cơ sở vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT, đề nghị phân tích các nguyên nhân tại sao vượt nguồn kinh phí và các cơ sở khám chữa bệnh phải có giải pháp quyết liệt những tháng cuối năm để kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo không vượt nguồn kinh phí được giao năm 2019; không để xảy ra vi phạm, sai phạm theo quy định của Điều 215 của Bộ Luật Hình sự.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, với việc nghị quyết được thông qua sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN - những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Ông Lợi cũng tin tưởng sau khi nghị quyết này được ban hành, các quy định của Bộ luật Hình sự về 3 tội danh này sẽ được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, qua đó sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN.

Lan Trần