Kinh tế Đà Nẵng và những bài học đắt giá trong quá khứ

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:28, 08/11/2019

Đã có thời, nhân tài đồng ý về Đà Nẵng làm việc sẽ được “thưởng nóng” số tiền đủ để mua 2 chiếc xe máy.

Tháng 12/2000, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ký vào một văn bản nổi tiếng. Nó thể hiện quyết tâm thực hiện một thứ, mà bây giờ đã trở thành khái niệm quen thuộc với nhiều người Việt Nam: “thành phố 5 không”.

Đà Nẵng trong hai thập kỷ sau đó được tôn vinh là “thành phố đáng sống”, một phần nhờ vào khái niệm 5 không này: không có hộ đói; không có người mù chữ; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy và không giết người cướp của.

Nhưng ít người nhớ được rằng trong năm 2000 ấy, gần như cùng lúc với quyết định “5 không”, ông Bá Thanh ký cả một quyết định về hỗ trợ sản xuất kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng; ký một quyết định thu hút nhân tài khắp các lĩnh vực. Đó là một trong những chính sách thu hút nhân tài về địa phương đầu tiên ở nước ta, thưởng bằng tiền mặt.

Đà Nẵng những năm 2000

Mức “lót tay” cao nhất mà một nhân tài về Đà Nẵng thời ấy sẽ được nhận là 45 triệu đồng. Đó là một con số đột phá với khu vực nhà nước. Nhưng ngay cả trong thời giá năm 2000, số tiền ấy cũng chỉ đủ mua được 2 chiếc Suzuki Viva, nói gì đến việc đảm bảo kinh tế cho một nhân tài.

Kinh tế Đà Nẵng và những bài học đắt giá trong quá khứ

Lễ khánh thành cầu Sông Hàn ngày 29/03/2000 – thời điểm có thể coi là bước ngoặt cho sự phát triển của Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Mùi/Báo Đà Nẵng.

Nếu lần ngược lại những chính sách thúc đẩy kinh tế của Đà Nẵng, sẽ nhìn thấy đầy những thách thức mà họ đã đi qua. Một ví dụ tiêu biểu, chính là Bà Nà. Năm 1997, thành phố quyết định sẽ thúc đẩy đầu tư du lịch ở khu vực Bà Nà-Núi Chúa. Họ đưa ra một mức ưu đãi: các nhà đầu tư du lịch tại đây sẽ được miễn tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm.

Không có đột phá nào. Tới năm 2002, thành phố hủy quyết định cũ, ra một mức ưu đãi mới. Lần này mạnh tay hết mức: miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.

Và lịch sử đã chỉ ra, rằng trong suốt 6 năm sau đó, Bà Nà-Núi Chúa vẫn không thể lột xác.

Năm 2001, thủ tướng giao nhiệm vụ cho Đà Nẵng: trong vòng 10 năm tiếp theo, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp phải đạt hơn 16% mỗi năm. Con số này được ghi cả vào quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Nhưng trong vòng 10 năm sau đó, từ 2001 đến 2010, mức tăng của công nghiệp Đà Nẵng chỉ là 11,6%. Nguồn tiền đổ cho công nghiệp miền Trung những năm đó không tập trung về Đà Nẵng. Đó là giai đoạn chứng kiến sự phát triển thăng hoa của khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam - cách đó chỉ 80km, với hàng tỷ USD được đổ cho các nhà máy cơ khí lắp ráp. Xa hơn nữa, cách đó 143km, là khu kinh tế Dung Quất, một nam châm thu hút đầu tư công nghiệp khác.

Giai đoạn 2001-2010, Đà Nẵng đã phát triển không đúng kỳ vọng của chính phủ. Mức tăng GDP bình quân mà chính phủ vạch ra cho thành phố trong thập kỷ này là 13,5%. Nhưng thực tế, GDP thành phố chỉ tăng chưa đến 12% mỗi năm trong giai đoạn này.

Bước ngoặt du lịch

Trong thập kỷ 2000, bất chấp chưa có các khoản đầu tư lớn, du lịch vẫn là ngành tăng trưởng nhanh nhất của Đà Nẵng. Ngành dịch vụ nói chung của thành phố tăng trưởng trung bình 13%, cao hơn đáng kể so với công nghiệp và nông nghiệp (chỉ tăng trung bình hơn 1% mỗi năm). Ngay từ lúc đó, khi mà các du khách than phiền rằng “sau 9h là thành phố tắt đèn”, thì du lịch đã ngấm ngầm thể hiện rằng mình có lợi thế hơn các ngành khác.

Trở lại với Bà Nà-Núi Chúa, sau hơn một thập kỷ “kêu gọi đầu tư” với các mức ưu đãi liên tục tăng nhưng bất thành, bước ngoặt xảy đến với dự án cáp treo của Sun Group. Năm 2008, cùng với quyết tâm của nhà đầu tư Sun Group, việc “trải thảm” theo nghĩa đen (xây dựng con đường tới chân núi) của thành phố, Bà Nà Hills được tạo ra và cho đến bây giờ vẫn trở thành tâm điểm của du lịch thành phố.

Kinh tế Đà Nẵng và những bài học đắt giá trong quá khứ

Bà Nà Hills – một trong những biểu tượng của sự phát triển du lịch Đà Nẵng.

Cho đến giờ thì Đà Nẵng đã trở thành một trung tâm du lịch, và tương lai, là trung tâm dịch vụ của cả khu vực Đông Nam Á. Một cuộc phân vai vui vẻ: Quảng Nam, người anh cũ của Đà Nẵng, nhận vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp nặng tại miền Trung, với việc hàng chục nghìn tỷ vẫn đang nối đuôi nhau đi vào Chu Lai; còn Đà Nẵng nhận vai dịch vụ.

Không cần viện nhiều thống kê để cho thấy du lịch trong hơn 10 năm qua là động lực kinh tế dẫn dắt chính của Đà Nẵng. Du lịch không chỉ đóng góp trực tiếp cho GDP của thành phố, mà nó gián tiếp tạo ra hạ tầng, tiện nghi, và thực hiện hiệu quả mong muốn của thành phố từ 20 năm trước: thu hút nhân tài.

Hãy thử làm một bài toán nhỏ: mức hỗ trợ tối đa cho một nhân tài về Đà Nẵng năm 2000 là 45 triệu đồng. Từ đó tới nay, lương tối thiểu đã tăng 15 lần. Nhân 45 triệu với 15 lần, sẽ được hơn 600 triệu đồng. Tức là 2 chiếc Suzuki Viva thời thượng của năm 2000 nay đã trở thành… 2 chiếc Chevrolet Spark.

Con số không quá nhỏ, nhưng hãy tự hỏi: một “nhân tài” – theo định nghĩa là tốt nghiệp loại xuất sắc ở nước ngoài - có sẵn sàng thay đổi chỗ ở và về cống hiến cho nhà nước ở một mảnh đất nào đó với số tiền này, nếu như đó là một tỉnh không có mức sống tiện nghi?

Đà Nẵng hiện nay không cần đến một món tiền tượng trưng để thu hút sự chú ý của các nhân tài. Mảnh đất này đã một nơi mà các vị khách du lịch chi trả hàng trăm USD một đêm để được ở lại. Họ là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”, với Lễ hội pháo hoa suốt cả tháng hè, Carnival đường phố rộn ràng… Họ có một hệ thống hạ tầng dịch vụ tiện nghi bậc nhất đất nước.

Tới sống ở Đà Nẵng, giờ trở thành mơ ước của nhiều trí thức tại Hà Nội và TP HCM. Và rất nhiều người đã sống ở đây, sẽ không đánh đổi đặc quyền đó cho dù có được “gạ”… 2 chiếc Chevrolet Spark. 

Phương Thảo