Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Số DN trực tiếp đầu tư vào nông thôn đã tăng gấp 3 lần

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:02, 06/11/2019

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong 3 năm qua, số DN đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị.

Sáng 6/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu  Phạm Thị Thu Trang - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Số DN trực tiếp đầu tư vào nông thôn đã tăng gấp 3 lần

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị; trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thông tin, 11.800 đơn vị nói trên cùng với 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khi chỉ chiếm 8% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Trả lời câu hỏi “Giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp là gì”, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

"Khuôn khổ pháp lý tốt sẽ giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hiện nay dù khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa", ông Cường nói.

Trong nội dung trả lời Đại biểu Ngô Thanh Danh về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", một thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, trong các tỉnh Tây Nguyên, thì Gia Lai rất tích cực, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch đi thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thậm chí họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp. Do đó chỉ trong thời gian ngắn đã xây được 1 nhà máy chế biến nông sản. Trước sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư đã quyết định xây thêm một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.

Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2019 có 1,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.

Về vấn đề “được mùa, mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng...

"Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá", ông Cường nói.

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn..

Mạnh Nguyễn