Doanh nghiệp, doanh nhân phải nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho đất nước
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:01, 05/10/2019
Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam 2045 – Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình” đã được tổ chức sáng nay (05/10), tại TP. Đà Nẵng.
Phát biểu tại Diễn đàn Phó Thủ tướng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt những nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nay chúng ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn của đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay Việt Nam đang là nước có nền kinh tế năng động chất lượng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt là môi trường kinh doanh luôn được cải thiện và chủ động hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cũng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cho biết trong 9 tháng đầu năm mặc dù tình hình phát triển kinh tế thế giới gặp nhiều bất ổn nhưng Việt Nam vẫn đạt được con số phát triển vượt bậc. Con số tăng trưởng 6.98% là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm vừa qua, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, tổng vốn đầu tư xã hội tăng. Dự kiến vốn đầu tư xã hội sẽ tăng trên 34% GDP. Xuất khẩu đạt trên 190 tỷ USD, xuất siêu ở mức kỉ lục xấp xỉ 6 tỷ USD. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
Phó Thủ tướng cũng nêu ra những tồn tại hạn chế như, cả nước hiện nay có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp đóng góp 60% GDP và 70% ngân sách. Tuy nhiên doanh nghiệp chúng ta qui mô vẫn còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp, môi trường kinh doanh chưa được hấp dẫn; năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn thấp...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời gian sắp tới Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gỡ khó cho doanh nghiệp, gỡ khó cho người dân.
Phải tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, cần rà soát tất cả các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, các điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, đảm bảo sự đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển như phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp ô tô; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; các ngành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; khởi nghiệp - sáng tạo; chuyển đổi kinh tế số; ứng dụng công nghệ 4.0…
“Những nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chính là điều kiện, là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng với đó, cần ưu tiên nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mà trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có đủ khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là những tiến bộ mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại.
Ưu tiên thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế.
“Hệ thống hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, tuy nhiên vẫn chưa bằng lòng. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ có trên 2000km đường cao tốc, nhưng với tốc độ như hiện nay thì phải đến năm 2021. Đến năm 2030 chúng ta phải làm thêm 3000km đường cao tốc nữa, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không quan trọng. Nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí vận tải cho các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Thông qua đó các doanh nghiệp phải tập trung đào tạo nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình”, Phó Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, văn hóa kinh doanh, nuôi khát vọng làm giàu chính đáng.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp có bước đi thực sự đúng đắn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai: “Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc phát triển, lấy cơ sở thị trường quốc tế làm mục tiêu nhưng vẫn phải coi trọng thị trường nội địa. Đồng thời, cần phải chú trọng xây dựng thương hiệu, xây dựng văn hóa kinh doanh. Doanh nghiệp tư nhân phải là những người tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm có nâng suất, có chất lượng cạnh tranh; Phải tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Phải chú trọng đến phát triển xanh và bền vững để tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp đối với Chính phủ”.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng sẽ tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển. Trong đó trước hết là phải xây dựng chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2050. Sớm xây dựng các quy hoạch tổng thế quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng, tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050.
“Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có những thay đổi phù hợp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân phải nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho bản thân và cho đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục được những khó khăn, thách thức. đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước.