Nhận diện thách thức trong cơ cấu lại NSNN và nợ công

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 07:51, 26/05/2019

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, quản lý nợ công đã đạt được bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thách thức…

Bên lề Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) năm 2019 với chủ đề “Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đây là một diễn đàn để Việt Nam trao đổi những thách thức cũng như kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược của mình, đó là tái cơ cấu lại nền tài chính quốc gia, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngân sách và nợ công, đảm bảo an ninh an toàn cho nền tài chính quốc gia.

“Trong thời gian qua thực hiện chiến lược này chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, đó là chúng ta đã phục hồi được tỷ lệ động viên vào ngân sách đạt trên 23,5% GDP, quan trọng hơn tỷ lệ thu nội địa đạt trên 80% GDP. Tỷ lệ thu thu từ dầu khí hay tài nguyên khoáng sản chỉ còn dưới 4%”, Thứ trưởng nói.

Nhận diện thách thức trong cơ cấu lại NSNN và nợ công

Ảnh minh họa

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, quản lý nợ công đã đạt được bước tiến đáng kể khi giảm bội chi ngân sách từ 5% trước đây xuống dưới 3,5% cho 2 năm gần đây. Trong đó, quyết toán 2017 tỷ lệ này chỉ còn 2,74% GDP. Nhờ vậy, nợ công giảm từ 63,8% năm 2015-2016 xuống 58,4% vào năm 2018. Đáng chú ý, chủ yếu nợ công đó từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước với thời hạn trên 10 năm, mức lãi suất khá hợp lý khoảng 4,6-4,72%.

“Như vậy, có thể thấy rằng chủ đề của Hội nghị PEMNA 2019 có nội dung quan trọng và cũng chính là mục tiêu Việt Nam đang kiên định thực hiện trong thời gian qua và trong giai đoạn sắp tới”, Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng, tuy đạt được kết quả ban đầu, nhưng nền tài chính ngân sách Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Đó là phải hoàn thiện lại hệ thống chính sách thuế; giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách thuế với quan điểm thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, để vừa huy động hợp lý vào ngân sách, nhưng vừa đảm bảo  mở rộng cơ sở thuế, trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc về chống chuyển giá, phòng chống gian lận thuế...

Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách minh bạch; vai trò của kế hoạch tài chính trung hạn, vai trò quản lý ngân sách theo đầu ra, đó là hiệu quả thu được từ quản lý đầu tư công; xây dựng và triển khai để án thực hiện chuẩn mực quốc tế trong khu vực công để nâng cao tính minh bạch, độ tin cậy của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thách thức tiếp theo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đó là xây dựng Kho bạc quản lý chi tiêu ngân sách hiện đại, thực hiện quan hệ giao dịch của kho bạc với tổ chức, người dân theo cấp độ 3, 4 hướng tới xây dựng kho bạc điện tử. Bên cạnh đó, từng bước cùng các bộ ngành thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo khu vực công trong toàn xã hội, đồng thời chuyển đổi từ kho bạc điện tử sang kho bạc số trong thời gian 3-5 năm tới.

Bộ Tài chính cho biết, Hội nghị toàn thể PEMNA năm nay đã quy tụ nhiều bài trình bày về những kinh nghiệm quý báu của các nước thành viên PEMNA và các chuyên gia đến từ các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế (World Bank, IMF, UNESCAP...).

Theo đánh giá của ban tổ chức, các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội nghị có giá trị thực tiễn cao, có thể áp dụng vào thực tế, góp phần tăng cường chất lượng công tác quản lý tài chính công, từ đó đem lại sự thịnh vượng cho các nước thành viên trong cộng đồng PEMNA, trong đó có Việt Nam.

Lan Trần