Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh giá điện
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:03, 04/05/2019
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương về các thông tin liên quan đến điều chỉnh giá bán điện.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và việc thu tiền điện gây bức xúc cho người dân.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 20/3 vừa qua, ngành điện đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT. Theo tính toán của Bộ Công Thương, với việc điều chỉnh giá như trên, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình là 7.000 - 77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ gia đình, tiền điện trong tháng 4 vừa qua của họ đột ngột tăng gấp 2 – 3 lần so với tháng trước đó.
Trước phản ánh của dư luận, vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có thông tin phúc đáp về vấn đề này.
Theo EVN, có một số nguyên nhân chính dẫn tới hoá đơn tiền điện tăng. Đó là theo quy luật thời tiết, hằng năm, thì tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày nắng nóng lên đến 37°C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là thiết bị làm lạnh tăng cao.
EVN dẫn số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy: Tại địa bàn TP Hà Nội, mức tiêu thụ tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày cuối tháng 3/2019 lên đến gần 58 triệu kWh/ngày đầu tháng 4/2019 và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20/4/2019), điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4/2019 tăng 16,17% so với tháng 3/2019; tại TP Hồ Chí Minh là 71 triệu kWh/ngày cuối tháng 3/2019 lên đến trên 83 triệu kWh/ngày đầu tháng 4/2019 và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4/2019), điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4/2019 tăng 15,53% so với tháng 3/2019.
Bên cạnh đó, giá điện tăng là do tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT thì mức độ tăng giá bình quân của tất cả các nhóm khách hàng là 8,36%, riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng tiền điện từ 8,35% - 8,38% tuỳ theo mức độ sử dụng điện trong tháng.
Ngoài ra, theo EVN, một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày) là 3 ngày, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho điện năng sử dụng của tháng 4/2019 tăng thêm 10,71%.
“Với việc ngày sử dụng điện theo phiên ghi chỉ số tăng 3 ngày làm tăng lượng điện năng tiêu thụ lên 10,71%, đồng thời với việc thời tiết chuyển sang nắng nóng cũng làm tăng mức tiêu thụ bình quân lên khoảng 16% thì ngay cả việc giá điện nếu không có điều chỉnh vào cuối tháng 3 cũng đã làm tăng mức tiêu thụ điện của tháng lên gần 27%. Đây là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, nếu khách hàng càng sử dụng nhiều điện thì mức tăng tiền điện càng lớn” thông tin của EVN nêu rõ.
EVN cho biết, tính đến ngày 26/4/2019, thống kê về hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tại 2 thành phố lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 57,29% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 30% so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 47,18%.